Ngần ngại việc ngân hàng thu phí "hai mang"
Bức xúc ngân hàng “ăn dày”
Với sự cạnh tranh khá khốc liệt trong ngành ngân hàng bán lẻ, hiện tại nhiều ngân hàng vẫn không thu phí rút tiền mặt tại ATM. Một số ngân hàng thu phí rút tiền khác hệ thống hoặc khác tỉnh/thành phố nơi mở tài khoản.
Tuy nhiên, theo dự thảo Thông tư quy định phí dịch vụ tiền mặt mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang xin ý kiến của các tổ chức, cá nhân thì tới đây khi nộp/rút tiền từ tài khoản người dùng sẽ bị “đánh” phí.
Tỷ lệ giao dịch qua thẻ thấp, cơ quan quản lý quyết áp phí nộp/rút tiền từ tài khoản Ảnh: Internet |
Cụ thể, theo nội dung dự thảo Thông tư khi nộp, rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước, khách hàng phải chịu mức phí là 0,005% trên tổng giá trị tiền mặt nộp hoặc rút.
Đối với khách hàng của các tổ chức tín dụng (TCTD) thì các TCTD được quyền ấn định mức phí nộp tiền mặt cho khách hàng nhưng không vượt quá 0,03% tổng giá trị tiền mặt nộp vào tài khoản thanh toán và phải niêm yết công khai.
TCTD được quyền ấn định mức phí rút tiền mặt đối với khách hàng của mình nhưng không vượt quá 0,05% tổng giá trị tiền mặt rút ra từ tài khoản thanh toán. Các TCTD phải niêm yết công khai mức phí với giới hạn mức trần như trên để hạn chế tối đa việc thanh toán tiền mặt.
Ngay khi thông tin sẽ áp dụng thu phí nộp/rút tiền vào tài khoản được đăng tải, nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận được đưa ra.
Lâu nay, công ty chị Hoa (công nhân nhà máy sản xuất linh kiện ép nhựa phun tại Khu công nghiệp Đình Vũ Hải Phòng) vẫn trả lương qua tài khoản. Cứ vào ngày 25 hàng tháng, chị Hoa lại ra cây ATM ngay cổng công ty để rút tiền lương ít ỏi về chi tiêu cho gia đình. Lâu nay ngân hàng chưa thu phí rút tiền từ ATM nên mỗi tháng chị có thể tiết kiệm được vài chục ngàn đồng. Nhưng tới đây nếu ngân hàng thu phí, chắc chắn chị sẽ rút một lần hết lương chứ không “om” trong tài khoản nữa.
“Với người có tiền một vài chục ngàn chẳng đáng là bao, nhưng với công nhân như chúng tôi có khi bấy nhiêu đó cũng đủ bữa cơm cho gia đình” – chị Hoa giọng buồn rầu.
Không chỉ những công nhân như chị Hoa tỏ ra lo lắng và có vẻ “không thích” bị mất tiền mỗi lần mất phí, anh Cường – nhân viên kinh doanh một hãng thực phẩm lớn tại Hà Nội cũng khá bức xúc. Anh Cường cho rằng, nếu quy định này có hiệu lực, đồng nghĩa ngân hàng đã “ăn cả hai chiều” của người gửi tiền. “Tôi thấy các ngân hàng suốt ngày gọi điện mời chào mở thẻ này nọ, mà sắp tới thu phí cả nộp và rút tiền thì ai dám mở. Đưa lý do khuyến khích dùng thẻ thanh toán mà đánh phí vào người dùng thế là không khả thi” – anh Cường bày tỏ. Theo anh, chính các ngân hàng muốn khách hàng dùng thẻ ngày càng nhiều của nhà băng mình thì phải chịu khoản phí này.
Dân “tích” tiền trong két, nhà băng lo giảm huy động
Trao đổi với PV Infonet, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, NHNN cũng đã từng có quyết định tương tự nhưng mức quy định quá thấp (từ 0 – 0,005%) nên không khuyến khích các ngân hàng áp dụng. Nhiều nhà băng hiện vẫn không thu phí nên tỷ lệ thanh toán qua thẻ ở Việt Nam ở mức thấp, không đáng kể. “Việc quy định thu phí nộp tiền mặt vào tài khoản không mới, nhất là với thông lệ quốc tế”- ông nói.
Còn TS. Cao Sỹ Kiêm – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á thì cho rằng, việc ngân hàng thu phí rút tiền mặt sẽ mang lại lợi ích lâu dài. Nhưng cũng sẽ gây ra hiệu ứng ngược là hạn chế việc huy động vốn của các ngân hàng khi người dùng “tích” tiền trong két sắt tại nhà hơn mà bỏ tiền vào tài khoản ngân hàng mà bị tính phí. Ngoài ra, tăng chi phí cho người dân.
Ở khía cạnh việc quy định thu phí nộp/rút tiền mặt là đang làm lợi cho ngân hàng khi “đánh” phí vào người dân và ngân hàng thì “ăn cả hai đầu”, đầu vào (nộp tiền) và đầu ra (rút tiền), ông Lực khẳng định, không hẳn như vậy.
Vị chuyên gia hiện đang là Giám đốc Sở giao dịch một nhà băng lớn phân tích, thu phí nộp/rút tiền mặt tài khoản sẽ giúp giảm giao dịch tiền mặt và chi phí của các nhà băng. Đơn cử, với số tiền nộp vào ngân hàng khoảng vài tỷ đồng nhưng bằng tiền mệnh giá nhỏ dưới 50.000 đồng thì ngân hàng sẽ phải cắt cử 1 người kiểm đếm trong vài tiếng đồng hồ, thậm chí là cả ngày làm việc. Ngoài ra, thủ tục thanh toán giao dịch tiền mặt khá phức tạp, nếu số tiền này chuyển sang giao dịch qua tài khoản thì cả ngân hàng – khách hàng đều “khỏe”.
Tuy nói chuyện thu phí nộp/rút tiền là hợp lý nhưng ông Lực cũng lưu ý cách triển khai để tránh ảnh hưởng tới lợi ích người dùng thẻ, đặc biệt là hàng triệu người dùng thẻ có thu nhập thấp, nghèo như công nhân tại các khu công nghiệp, người về hưu, sinh viên…
Để tránh hiệu ứng ngược của chính sách, TS. Cấn Văn Lực đưa ra 4 đề xuất. Trước tiên, nên đưa ra mức thu phí tối thiểu và tối đa theo tỷ lệ số tiền nộp/rút. Điều này sẽ tránh được tình trạng các ngân hàng cạnh tranh không lành mạnh khi không áp mức phí nào và cũng tránh các nhà băng đưa ra mức phí quá cao khiến người dùng nản lòng.
Thứ hai, cần quy định cụ thể loại tiền nào khi nộp sẽ bị thu phí. Nên nếu là tiền lẻ mệnh giá nhỏ, tốn nhiều thời gian và nhân lực kiểm đếm thì sẽ bị tính phí, còn tiền mệnh giá lớn không nhất thiết phải thu.
“Nếu người dân nộp số tiền 1 tỷ nhưng bằng tiền lẻ mệnh giá nhỏ 50.000 đồng chẳng hạn, bạn tưởng tượng sẽ phải mất bao nhiêu thời gian và nhân lực kiểm đếm? Với tiền mệnh giá nhỏ hơn 100.000 đồng thì nên thu phí, còn tiền mệnh giá lớn 500.000 đồng thì không cần”- ông nói.
Đối với loại phí rút tiền từ ATM, cần có chính sách hỗ trợ đối tượng sinh viên, công nhân như cho phép rút tối đa miễn phí 3 lần/ngày, ngoài ra sẽ thu phí….
Cùng với đó, hệ thống NHTM cũng cần hoàn thiện và đẩy mạnh hạ tầng hệ thống thanh toán thẻ không dùng tiền mặt tại các cửa hàng, khu trung tâm mua sắm, giải trí… để khuyến khích người dân chi tiêu bằng thẻ nhiều hơn. Việc khuyến khích và hướng đến nền kinh tế không sử dụng tiền mặt quan trọng nhất là phải phát triển đủ và rộng hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, mà cụ thể là máy POS. Nhưng hiện tỷ lệ máy POS tính trên đầu người ở Việt Nam vẫn còn quá thấp, mới chỉ khoảng 1,5 POS/1.000 người trong khi các nước phát triển ở khu vực châu Á đạt mức trung bình 50 POS/1.000 người.