Ngân hàng "tùy hứng", DN nín thở chờ đợi
Ngân hàng "tùy hứng", DN nín thở chờ đợi
Lớn tự tin, nhỏ dè dặt
Tới thời điểm này mới có nhóm 4 NH lớn công khai sẽ rà soát lại hợp đồng tín dụng, chấp hành nghiêm túc yêu cầu này từ 15/7. Cụ thể, tại Vietcombank, Agribank lãi suất vay 15% sẽ được NH này áp dụng với tất cả các khoản vay các khách hàng vay sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh.
Ngoài việc giảm lãi vay nợ cũ về 15%/năm, các DN đáp ứng đủ yêu cầu của Vietinbank cũng sẽ được vay vốn lưu động với lãi suất 11-12%/năm. Trong những trường hợp cụ thể, có thể áp dụng chính sách miễn lãi 100%, thậm chí bán nợ với tỷ trọng khoảng 50 - 60% khoản nợ gốc...
Khách hàng đang có khoản vay trên mức 15%/năm cũng sẽ được “ông lớn” BIDV xem xét, điều chỉnh giảm lãi suất về mức tối đa 15%/năm. Các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, khắc phục bão lũ), áp dụng lãi suất tối đa là 12%. Các khoản vay ngắn hạn của khách hàng có định hạng tín nhiệm cao thuộc lĩnh vực này, lãi suất cho vay chỉ ở mức 11-12%. Đối với lĩnh vực xuất khẩu, BIDV sẵn sàng áp dụng mức lãi suất cạnh tranh từ 9-11% khi DN thực hiện dịch vụ trọn gói tại BIDV.
Trong khi các "anh cả" tỏ ra hào hứng giảm lãi vay nợ cũ cho DN thì số nhà băng nhỏ vẫn tỏ ra dè chừng |
Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Phước Thanh tỏ ra tự tin, "dư nợ tín dụng các khoản vay trên 15% đối với Vietcombank chỉ chiếm khoảng 25% tổng dư nợ, nên việc điều chỉnh giảm không khó khăn gì. Thậm chí, trước chỉ thị của Thống đốc, nhiều khoản vay khách hàng tại Vietcombank cũng đã dưới mức này".
Trong khi khối NH lớn rầm rộ công bố giảm lãi vay nợ cũ, thì khối NHTMCP mới chỉ có lác đác vài nhà băng "đánh tiếng" sẽ hạ lãi suất theo chỉ đạo, còn phần lớn vẫn tỏ ra dè chừng.
Là một trong số NHTMCP đầu tiên cho biết sẽ giảm ngay lãi suất về mức trần 15%/năm, ông Nguyễn Văn Lê – Tổng giám đốc NHTMCP SHB cho biết, hiện tại dư nợ các hợp đồng tín dụng lãi suất trên 15%/năm chiếm trên 35% dư nợ toàn hệ thống SHB. Ngay khi Thống đốc ban hành chỉ thị mới, ban lãnh đạo SHB đã họp và ban hành chỉ đạo toàn hệ thống điều chỉnh xem xét giảm ngay lãi suất xuống 15%/năm cho khách hàng đủ điều kiện.
Đành rằng lợi nhuận của NH chắc chắn sẽ ảnh hưởng bởi việc giảm lãi suất khoản nợ cũ theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN, nhưng theo Tổng giám đốc SHB, phần lợi nhuận bị mất đi sẽ được bù đắp bởi các hoạt động phái sinh khác của NH. "Mục tiêu kinh doanh năm 2012 của chúng tôi không đặt nặng vấn đề lợi nhuận mà phải an toàn. Còn lợi nhuận nếu không đạt thì do tình hình khó khăn chung, NH cũng ít nhiều bị ảnh hưởng" – ông Lê nói và khẳng định "khó khăn hiện nay thì NH phải đồng hành cùng DN, đó là sự cộng hưởng bắt buộc trong hoạt động kinh tế".
Liên lạc với một số lãnh đạo NHTMCP thời điểm này, PV Infonet đều nhận được câu trả lời, NH đang xem xét và sẽ thông tin ngay khi có quyết định chính thức.
Trước đó, ngay tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành NH, khi Thống đốc đưa ra yêu cầu giảm lãi vay về ngay 15%/năm, phía dưới đã không ít lời bàn tán nghi ngại từ phía lãnh đạo các NH. "Chỉ thị của Thống đốc thì buộc NH phải nghe theo thôi, nhưng nếu giảm nợ cho DN rồi, họ lại làm ăn không tốt, phá sản, tới lúc đó NHNN có ra tay cứu chúng tôi hay không" – lãnh đạo một NHTMCP bày tỏ.
Điều này dễ hiểu, bởi trước đó một số nhà băng, nhất là những NH nhỏ đã bị "mắc cạn" vào các khoản huy động giá cao, nay muốn giảm lãi suất đầu ra, dù là khoản vay cũ trước đây, thì cũng cần thời gian tính toán, cân đối lại lợi nhuận.
Doanh nghiệp "nín thở" chờ đợi
Nghe hạ lãi suất, ông Nguyễn Bá Anh – Giám đốc Công ty TNHH ACB tỏ ra rất mừng, song gọi điện tới NH Techcombank nơi công ty là khách hàng quen vẫn chưa có tín hiệu gì. "Gánh nặng chỉ mọi khoản chi phí, trả lương người lao động đã khá nặng nề, nay thêm khoản lãi suất trả hàng tháng khiến DN thêm oải"- ông Bá Anh nói. Trong lúc chờ đợi tín hiệu mừng từ NH, DN không còn cách nào khác là cố gắng xoay xở trong đồng vốn eo hẹp còn lại để duy trì hoạt động.
Còn theo bà Kim Hương – Giám đốc Công ty TNHH Lúa Sớm, khi đề cập tới các khoản vay cũ trước kia thì nhân viên NH cho biết, NH vẫn chưa có chính sách mới, nếu có chắc chắn sẽ thực hiện cho DN. "Điều đó chứng tỏ quyết định của Thống đốc chưa thực sự bắt buộc với các NH, mà tùy hứng NH nào thích làm thì làm" – bà Hương bức xúc.
Theo vị nữ giám đốc DN này, những lần giảm lãi suất trước đây DN không hề được NH điều chỉnh lại hợp đồng vay. Thậm chí, NH đưa ra rất nhiều gói hỗ trợ DN lên tới hàng ngàn tỷ đồng, song dù hội đủ mọi yếu tố nhưng tiếp cận được nguồn vốn này khó như... lên trời. Chủ DN này thông tin thêm, khoản vay gần đây nhất DN vẫn phải vay với mức lãi suất 18,5%/năm để mua nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, động thái vừa qua của NHNN vừa mang tính định hướng, nhưng cũng là mệnh lệnh hành chính bắt buộc. Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn cụ thể từ NHNN nên việc giảm hay không vẫn "tùy hứng" các NH.
Đồng tình, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, không thể trách các NH bởi lãi suất là hàm số rủi ro, nếu lãi suất cao thì rủi ro cao và ngược lại. Đối với những NH lớn, thanh khoản tốt, nếu hạ lãi suất dư nợ cũ vài ba phần trăm cũng đã ảnh hưởng kha khá tới lợi nhuận của họ. Nay với các NH nhỏ, thanh khoản yếu hơn, chi phí giá vốn cao hơn thì việc buộc phải hạ lãi suất khoản vay cũ về 15% đồng nghĩa khoản lợi nhuận mà họ bị mất sẽ rất lớn.
"Vì thế, số nhà băng này sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để điều chỉnh chi phí vốn, cân nhắc kỹ hơn về những điều khoản mới trong hợp đồng mới hoặc các điều khoản vay chặt chẽ hơn để đảm bảo không bị thiệt" – TS. Hiếu nói.
Trường Giang