Ngân hàng Thế giới: VAMC tiềm lực yếu khiến xử lý nợ xấu ì ạch
Nhận xét về quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam, ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá, “cải cách ngân hàng đã có nhiều tiến triển, đặc biệt trong lĩnh vực mua bán và sáp nhập. Nhiều vụ sáp nhập và mua lại các ngân hàng nhỏ được thực hiện bởi các ngân hàng thương mại có quy mô lớn”.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của các chuyên gia WB thì tiến trình này có vẻ đang chậm lại do thiếu một khung pháp lý đầy đủ và phù hợp cho việc xử lý nợ xấu. “VAMC có vốn nhỏ và năng lực hạn chế đang tiếp tục là trở ngại cho việc xử lý nợ xấu”, ông Sandeep Mahajan tiếp lời.
Xử lý nợ xấu chậm một phần là do tiềm lực VAMC yếu |
Tính tới hết tháng 6/2015, VAMC đã duyệt mua hơn 33 nghìn tỷ đồng nợ xấu (tổng dư nợ theo hồ sơ đề nghị đã tiếp nhận gần 50.000 tỷ đồng). Lũy kế kể từ khi thành lập đến cuối tháng 6/2015, VAMC đã mua được khoảng 158.000 tỷ đồng nợ xấu.
Cũng báo cáo “Điểm lại” mới công bố của của WB, kinh tế Việt Nam tiếp tục hồi phục với mức tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ước đạt 6,28% trong nửa đầu của năm 2015. Đây là mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm cao nhất của Việt Nam trong vòng 5 năm qua.
Trong bối cảnh lạm phát thấp, NHNN đã dần nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ các hoạt động kinh tế, đồng thời điều chỉnh tỉ giá để đảm bảo tính cạnh tranh của nền kinh tế. Trong khi đó, cân đối ngân sách của Việt Nam vẫn là mối quan ngại. Nợ công tăng nhanh trong những năm gần đây và chi phí trả nợ có thể là gánh nặng ngày càng tăng cho ngân sách.
Đà xuất khẩu suy giảm và nhập khẩu tăng nhanh đã đẩy tài khoản vãng lai vào tình trạng thâm hụt trong quý I/2015. Cùng với đó, tiến độ cải cách cơ cấu chưa tương xứng với kỳ vọng, đặc biệt là trong việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và một phần trong cải cách ngân hàng.
WB cũng cho rằng, tốc độ cơ cấu lại DNNN dường như đang chậm lại. Đến hết quý 1, mới cổ phần hóa được 29 DNNN so với mục tiêu 289 doanh nghiệp đề ra trong cả năm 2015. Việc thực hiện nghiêm túc các quy đinh pháp lý và pháp quy về quản lý và quản trị DNNN ban hành năm ngoái và tăng tỉ lệ sở hữu của khu vực tư nhân với DNNN cổ phẩn hóa cần tiếp tục được coi là một ưu tiên chính.