Ngân hàng Nhà nước trần tình về 38.000 tỷ cho vay cá tra
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, các số liệu về cho vay nuôi cá tra công bố dựa trên cơ sở báo cáo của các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, doanh số cho vay trong 9 tháng đầu năm đối với nuôi trồng, thu mua và chế biến cá tra tại đồng bằng sông Cửu Long đạt hơn 38.200 tỷ đồng còn doanh số thu nợ đạt hơn 35.900 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 9, dư nợ cho vay đạt hơn 20.780 tỷ đồng so với cuối 2011 tăng 14,03%. Tính tuyệt đối, đến hết tháng 9, số lượt khách hàng còn dư nợ là hơn 5.960 hộ cá nhân và 282 doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, khoản vay 38.000 tỷ đồng dành cho cá tra là phù hợp với số liệu về xuất khẩu mặt hạng này. Hơn nữa, về cách tính khách hàng, phía VASEP tính dựa trên số hộ nuôi cá tra trong khi ngân hàng tính theo lượt vay của khách hàng. |
Đối chiếu với số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Ngân hàng Nhà nước cho biết, điều này là phù hợp với diễn biến thực tế. Cụ thể, số liệu của VASEP cho biết, xuất khẩu cá tra 11 tháng rưỡi năm 2012 là hơn 1,5 tỷ USD, chiếm khoảng 1,5% GDP. So với cùng kỳ năm ngoái, ước cả năm số này đạt khoảng 1,7-1,8 tỷ USD trong khi dư nợ cho vay cá tra hiện nay chiếm khoảng 0,8% tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế.
Kết quả xuất khẩu cá tra trong 9 tháng đầu năm là 32.000 tỷ đồng trong khi doanh số cho vay là hơn 38.200 tỷ đồng là phù hợp với diễn biến chung khi chưa tính phần tiêu thụ trong nước. Ngân hàng Nhà nước trần tình: để thu được 1 đồng xuất khẩu cá tra, ngành ngân hàng phải cho vay 2 đồng. Lý do là, trong 2 đồng này, 1 đồng để người dân chi phí nuôi cá và 1 đồng để các doanh nghiệp thu mua cá của người dân.
Về dư nợ cho vay cá tra, nếu xét số tuyệt đối, tại ngày 30/9 mức này chỉ tăng 2.000 tỷ đồng so với cuối năm 2011do chi phí nuôi của người dân tăng lên, cụ thể là giá thức ăn đã tăng 15-20% trong khi chi phí thức ăn chiếm tới 80% trong nuôi loại cá này.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị kiểm tra dư nợ cá tra hơn 38.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm và lý do chính là số doanh nghiệp phá sản do không vay được vốn ngày càng tăng. Tại cuộc họp này, đại diện VASEP cho biết cần kiểm tra lại con số nói trên, vì tại cuộc họp vào tháng 2, Ngân hàng Nhà nước nêu số liệu dư nợ cho ngành cá tra khoảng 19.000 tỷ đồng và sau 7 tháng “nhảy” lên hơn 38.000 tỷ đồng là quá lớn.
Mặt khác, số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra chỉ khoảng 70, trong đó đã có 30% "gần như chết" thì không thể có 250 doanh nghiệp như báo cáo của Ngân hàng Nhà nước. Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước cũng giải thích thêm, thống kê của ngành tính số lượt khách hàng, còn dư nợ tại các tổ chức tín dụng không phải là số khách hàng, vì có thể có khách được vay vốn tại nhiều nhà băng và được thống kê thành nhiều lượt còn dư nợ.
Lan Anh