Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm lãi suất điều hành
Chiều 12/3, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức họp báo thông tin ban hành Thông tư quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng dịch Covid-19.
Giúp ngân hàng có thanh khoản dồi dào
Thông tin quan trọng được Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN đang nghiên cứu, xem xét đưa ra quyết định về lãi suất điều hành với xu hướng giảm trong thời gian tới.
“Đây là lãi suất áp dụng với các nguồn tái cấp vốn, chiết khấu, OMO, cho vay qua đêm… và là một trong những cơ chế, chính sách giúp các ngân hàng luôn có thanh khoản dồi dào để hỗ trợ nguồn vốn, lãi suất tốt hơn cho doanh nghiệp”, ông chia sẻ.
Phó thống đốc cho hay, thời điểm ban hành sẽ được Thống đốc và ban lãnh đạo NHNN quyết định nhưng sẽ được đưa ra trong thời gian ngắn tới đây và mức giảm cũng sẽ tương đối hơn so với những lần trước.
Thực tế, trước tình hình dịch bệnh hiện nay, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã xem xét cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.
Đầu tháng 3, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm về mức 1-1,25% mà không cần chờ tới cuộc họp chính thức vào ngày 17-18/3. Nguyên nhân được cơ quan này đưa ra do lo ngại từ dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực rõ ràng hơn đến nền kinh tế Mỹ.
Tại Việt Nam, Phó thống đốc cho biết, ngoài việc xem xét giảm lãi suất điều hành, NHNN cũng chủ trương giảm phí thanh toán cho các TCTD và thành viên tham gia thanh toán trên thị trường.
Trong đó, cơ quan này sẽ giảm thêm 50% phí hiện nay của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC). Các khoản phí thanh toán do NAPAS cung cấp cũng sẽ giảm trong thời gian tới.
“Điều này giúp các tổ chức tín dụng và thành phần thanh toán qua hệ thống tiết kiệm thêm chi phí và dùng phần đó để hỗ trợ cho doanh nghiệp”, ông Tú nhấn mạnh.
Giãn nợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19
Về thông tư mới ban hành có hiệu lực từ 12/3, các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn sẽ bao gồm số dư nợ gốc và lãi phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính trong thời gian từ ngày 23/1 đến sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch Covid-19.
Tất cả khách hàng vay vốn không có khả năng trả nợ đúng hạn do sụt giảm doanh thu, thu nhập bởi dịch Covid-19 sẽ thuộc diện được cơ cấu nợ.
Các ngân hàng sẽ hướng dẫn cụ thể về tiêu chí để xác định số dư nợ của khách bị ảnh hưởng bởi dịch, trong đó phải có tiêu chí bị sụt giảm doanh thu, thu nhập bởi dịch bệnh.
Tất cả khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi Covid-19 dẫn tới sụt giảm doanh thu, thu nhập sẽ được giãn nợ, giảm lãi. Ảnh:Quỳnh Trang. |
Thông tư cũng quy định ngân hàng sẽ được miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ với số dư nợ tín dụng (trừ mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) của khách hàng trong khoảng thời gian dịch bệnh diễn ra khiến khách hàng vay không có khả năng trả nợ đúng hạn.
Cũng trong thời gian dịch diễn ra, các ngân hàng sẽ giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại và trích lập dự phòng rủi ro theo thời hạn đã được cơ cấu mà không phải áp dụng nguyên tắc điều chỉnh nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn.
Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, việc ban hành thông tư này sẽ giúp các ngân hàng cũng như doanh nghiệp giảm bớt khó khăn khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
“Đây là một trong những căn cứ pháp lý tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục có được các nguồn vốn duy trì sản xuất kinh doanh, vượt quá khó khăn hiện nay cũng như trong tương lai”, ông Tú nhấn mạnh.
Phó thống đốc cũng cho rằng, việc quan trọng nhất hiện nay là giúp các doanh nghiệp tiếp tục có vốn từ nguồn tín dụng ngân hàng kết hợp với vốn tự có để tiếp tục sản xuất kinh doanh.
Cũng tại cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết từ đầu năm đến giữa tháng 3 hiện nay tăng trưởng dư nợ trong nền kinh tế mới đạt khoảng 0,1%, trong khi cùng kỳ đạt 0,85%.
Theo đánh giá sơ bộ của các TCTD gửi về NHNN, số dư nợ của các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 tạm tính là 926.000 tỷ đồng, chiếm hơn 11% tổng dư nợ nền kinh tế. Đây là số dư nợ bị ảnh hưởng dẫn tới khả năng không thể trả nợ đúng hạn của các doanh nghiệp hiện nay.