Ngân hàng nào lợi nhuận thấp nhất?
Không còn dễ ăn
Ngân hàng Cổ phần Nam Việt - Navibank (NVB) hôm 15/11 công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2013 với khoản lãi sau thuế 2,5 tỷ đồng, chỉ bằng 32% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng đầu năm của Navibank cũng chỉ đạt 10,3 tỷ đồng, tương đương 10,6% so với cùng kỳ năm 2012.
Những con số này thực sự quá nhỏ bé so với vốn điều lệ 3.010 tỷ đồng và tổng tài sản gần 24.630 tỷ đồng của ngân hàng này.
Trong 9 tháng, Navibank cũng chứng kiến khá nhiều chỉ số đáng thất vọng như tăng trưởng tín dụng âm 8,95% trong khi tăng trưởng huy động cũng âm 21,4%. Tính đến cuối tháng 9/2013, nợ xấu của ngân hàng này chiếm 8,7% tổng dư nợ, tăng hơn 3 điểm phần trăm so với hồi đầu năm.
Trước đó, trong quý II/2012, Navibank cũng đã báo lỗ hơn 11 tỷ đồng, so với mức lãi trên 40 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Đến hết quý III năm nay, báo cáo của các ngân hàng cho thấy lợi nhuận đã sụt giảm nhiều (ảnh minh họa) |
Kết quả không đến nỗi bi đát như Navibank nhưng nhiều ngân hàng khác cũng đang chứng kiến lợi nhuận tụt giảm nghiêm trọng.
Kết quả kinh doanh của Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) trong quý III và cả 9 tháng đều không mấy lạc quan với lợi nhuận tụt giảm, nợ xấu tăng đột biến.
Riêng trong quý III/2013, OceanBank có lợi nhuận sau thuế đạt 30 tỷ đồng (so với vốn 4.000 tỷ đồng và tài sản gần 64.000 tỷ đồng), chỉ bằng 25% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ hoàn nhập dự phòng rủi ro. Lũy kế 9 tháng ngân hàng lãi 151 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 41% so với cùng kỳ. Nợ có khả năng mất vốn của OceanBank tăng vọt từ 355 tỷ đồng đầu kỳ lên 986 tỷ đồng cuối kỳ.
Trong khi đó, Techcombank - ngân hàng có vốn điều lệ 8.848 tỷ đồng và tài sản lên tới gần 166.000 tỷ đồng - lợi nhuận sau thuế quý vừa rồi vỏn vẹn 97 tỷ đồng, giảm 84% so với cùng kỳ. Lũy kế ngân hàng này đạt 750 tỷ đồng lợi nhuận, giảm 66%.
Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank) chứng kiến lợi nhuận sau thuế quý III/2013 chưa tới 11,6 tỷ đồng (so với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng); lũy kế 9 tháng là 60 tỷ đồng.
Rất nhiều ngân hàng khác dù vẫn làm ăn có lãi trong quý III vừa qua nhưng chứng kiến lợi nhuận tụt giảm hoặc/và nợ mất vốn tăng mạnh như: MB, DongABank, SouthernBank, Saigonbank, thậm chí cả các ngân hàng hàng đầu như: VCB, CTG...
Một số ngân hàng tuy chưa công bố kết quả quý III nhưng nhà đầu tư vẫn rất lo ngại, như trường hợp VIB Bank. Trong quý II/2013, ngân hàng này có kết quả kinh doanh rất đáng thất vọng khi lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 15,4 tỷ, bằng 1/10 cùng kỳ năm 2012.
Đại gia hết thèm muốn?
Về cái khó của mình, Navibank lý giải là do thực hiện chính sách giảm lãi suất cho vay hỗ trợ DN và chủ động đánh giá lại các khoản nợ và trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro tín dụng theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước.
Các đại gia tiếp tục tháo chạy khỏi ngân hàng (ảnh minh họa) |
Còn với OceanBank, nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng này tăng mạnh, lên gần 987 tỷ đồng là do 303 tỷ đồng khoản nợ của Vinashin được xử lý trong quý III/2013 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Khoản nợ này sẽ được xử lý dần bằng nguồn dự phòng của ngân hàng.
Với Techcombank - nguyên nhân là do nợ xấu tăng cao và tỷ lệ cho vay so với huy động thấp. Tính tới thời điểm 30/9, Techcombank đạt tăng trưởng tín dụng 2,5%. Nợ có khả năng mất vốn của Techcombank tăng từ 883 tỷ đầu năm lên 1.382 tỷ đồng vào cuối quý III.
PGBank lợi nhuận thấp là do tín dụng giảm mạnh (-5,6%) cùng nợ xấu tăng rất cao (9,5%). Trong quý III/2013, trích lập dự phòng ngốn mất 9,6 tỷ đồng và 9 tháng là hơn 174 tỷ đồng, kéo lợi nhuận sau thuế chỉ còn tương ứng 11,6 và 60 tỷ đồng.
Trong bối cảnh kinh doanh èo uột, cổ phiếu bị đưa vào diện không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ và diện cảnh báo, gần đây, Navibank (NVB) đã lên kế hoạch hủy niêm yết.
Cùng với sự đi xuống của ngân hàng cũng như sự phức tạp và rủi ro của hệ thống, nhiều cổ đông lớn - các đại gia - dường như đang tính sẽ rút khỏi các tổ chức tín dụng.
Trong một thông báo hồi tháng 9, cổ đông lớn nhất của Navibank là CTCP Năng lượng Sài Gòn - Bình Định đã đăng ký bán 16 triệu cổ phiếu NVB (trong tổng số gần 30 triệu cp) theo hình thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh. Giao dịch sau đó đã thất bại nhưng đây là dấu hiệu của sự rút lui.
Trước đó, cổ đông Navibank cũng chứng kiến bà Nguyễn Thị Kim Thanh - vợ ông Đặng Thành Tâm - đã nhiều lần thoái vốn. Từ sở hữu gần 15 triệu cổ phiếu tính tới thời điểm cuối năm 2012, bà Thanh hiện không còn sở hữu cổ phiếu NVB nào.
Ông Đặng Thành Tâm hồi tháng 4/2013 cũng đã từ nhiệm thành viên HĐQT Navibank sau gần 3 năm nằm trong ban bệ này và cũng chỉ còn nắm giữ 7,1 triệu cổ phiếu NVB (tương đương khoảng 2,3% vốn điều lệ). Các lãnh đạo khác của Navibank chỉ nắm 0,86% vốn điều lệ nhà băng, ứng với hơn 2,6 triệu cổ phiếu NVB. Trước đó, ông Tâm cũng đã rút khỏi WesternBank.
Gần đây, nhiều tập đoàn, tổng công ty đã lên phương án thoái vốn tại các ngân hàng như: EVN bán hơn 25 triệu cổ phần ABBank, Vietnam Airlines tính bán 24 triệu cổ phần Techcombank, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đẩy mạnh việc thoái 20% vốn tại Oceanbank... Bên cạnh đó, đại gia trong nhiều lĩnh vực cũng đã và đang rời bỏ, thoái vốn khỏi lĩnh vực ngân hàng như: ACB, Tín Nghĩa (thoái vốn khỏi DaiABank); Becamex (thoái vốn tại Southernbank); Savico (rút khỏi ngân hàng Phương Đông); TrustBank (84% vốn chuyển cho cổ đông mới và đổi tên thành NH Xây dựng); ACBS thoái sạch vốn đầu tư vào 6 ngân hàng; TCT Trực thăng Việt Nam (đăng ký bán gần 53 triệu quyền mua cổ phiếu Ngân hàng MBB)...
Có thể thấy, trong vòng 2 năm qua, nhiều nhà băng đã gặp rất nhiều khó khăn. Trước áp lực tái cơ cấu, cùng với nhu cầu thanh toán nợ nần, sử dụng đồng vốn hiệu quả hơn, nhiều đại gia đã và đang tìm cách thoái vốn khỏi ngân hàng. Khủng hoảng nợ xấu cùng hàng loạt vụ án kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng thời gian qua có lẽ cũng khiến NĐT hoảng sợ bỏ chạy.
Mặc dù vậy, ngân hàng vẫn được cho là lĩnh vực có nhiều lợi ích tiềm ẩn. Điều đó giải thích hiện tượng kẻ bỏ đi có người khác đến thay thế, rồi những vụ thâu tóm, mua bán sáp nhập rùm beng gần đây.
Nguồn: Vietnamnet