Ngân hàng đã 'thừa tiền', có doanh nghiệp còn muốn trả lại tiền vay
Ngân hàng rất muốn cho vay nhiều hơn
Trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh giảm lãi suất điều hành tới 4 lần và cho hay lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, từ góc độ doanh nghiệp, ai cũng mong lãi suất cho vay giảm. Bản thân các ngân hàng cũng rất mong muốn điều này.
Nhưng, để giải quyết một cách hài hoà, tạo sự cân bằng giữa cung và cầu về vốn cho nền kinh tế, tạo sự cân bằng giữa khả năng cho vay của ngân hàng và khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, cần phải có những điểm cân bằng.
“Một số doanh nghiệp còn đang kỳ vọng lớn hơn nữa từ ngành ngân hàng, chúng tôi rất muốn giải quyết tốt hơn nữa và xác định đó là nhiệm vụ cấp bách”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Tuy nhiên, một thực tế là đến nay tín dụng tăng trưởng còn hạn chế. Đến 15/6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước.
“NHNN rất muốn tăng trưởng tín dụng cao hơn nữa, nhưng không phải bằng cách hạ chuẩn tín dụng. Tăng tín dụng nhưng yêu cầu vẫn phải đảm bảo được chất lượng và hiệu quả của tín dụng”, Phó Thống đốc nói, đồng thời cho biết việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng sắp tới vẫn là nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng.
Phó Thống đốc khẳng định, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang rất dồi dào, đồng nghĩa với khả năng vốn đối ứng cho nền kinh tế không thiếu. Các dự án, các doanh nghiệp cần vốn, đảm bảo tính hiệu quả và khả năng trả nợ thì chắc chắn sẽ được cấp tín dụng.
Ngay từ đầu năm NHNN đã giao chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng với định hướng cả năm là 14-15% tuỳ theo điều kiện thực tế. Nếu kiểm soát được lạm phát, nhu cầu vốn thực sự cần thiết thì có thể tăng cao.
Ngược lại, nếu có dấu hiệu cần phải kiểm soát lạm phát, chỉ số có thể thấp hơn. Với điều kiện hiện nay có thể nói room tín dụng từ 14-15% vẫn là con số được xác định tiếp tục trong phạm vi điều hành của năm nay.
Hạn mức để tiếp tục cho vay của các NHTM còn rất lớn khi tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 3,36%. Con số này cho thấy khả năng cung ứng vốn của ngân hàng là đầy đủ và sẵn sàng. Vấn đề là vì sao sự hấp thụ vốn của các doanh nghiệp còn thấp, đó là do yếu tố khách quan và chủ quan. Cần phải tìm được điểm chung nhưng phải đảm bảo an toàn cho hệ thống. An toàn của NHTM cũng chính là an toàn của hệ thống tài chính quốc gia.
"Có những doanh nghiệp còn đòi trả lại tiền đã vay"
Nói thêm về nguyên nhân tăng trưởng tín dụng còn thấp, Phó Thống đốc cho rằng, có những lý do khách quan và chủ quan từ cả hai phía ngân hàng và doanh nghiệp, cũng như do tác động từ kinh tế thế giới.
Trong bối cảnh khó khăn chung, cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh và cầu tiêu dùng giảm, dẫn đến cầu tín dụng giảm.
Bên cạnh đó, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng thủ tục pháp lý.
Việc tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các HTX, trong bối cảnh hiện nay còn khó khăn hơn do các khách hàng này có quy mô nhỏ, năng lực tài chính, năng lực quản trị và điều hành còn hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi; số dư nợ chưa đáp ứng được kỳ vọng.
Bởi vậy, dù nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu tối thiểu nên ngân hàng dù muốn cho vay nhưng cũng không dám mạo hiểm.
“Đảm bảo an toàn tín dụng là nguyên tắc bất di bất dịch. Bản thân tôi không chỉ tiếp cận với các lãnh đạo ngân hàng mà còn tiếp xúc với nhân viên tín dụng của các ngân hàng. Có người (nhân viên tín dụng – PV) nói với tôi: “Cháu nói thật với chú, những doanh nghiệp được giao quản lý thì cháu cũng đã đến từng nơi, vì nếu không giải ngân được thì năm nay KPI của cháu rất thấp. Có nhiều doanh nghiệp nói với cháu họ không những không vay mà còn đòi trả lại tiền, vì người ta chưa có phương án kinh doanh”, Phó Thống đốc nói.
Với khoảng 12,32 triệu tỷ đồng cho vay toàn nền kinh tế 6 tháng qua, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP cả nước.
Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát. Phó Thống đốc khẳng định, NHNN chỉ kiểm soát tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Tuân Nguyễn