Ngân hàng cũng ngán dự án BĐS bán tháo
Ngân hàng cũng ngán dự án BĐS bán tháo
Ở góc độ chính diện, việc đại gia ngân hàng còn tiềm lực tiếp tục đầu tư mua vào các dự án giá rẻ đang tắc vốn, đề chờ thời khi BĐS phục hồi sẽ tung ra với giá cao cũng không khỏi khiến nhiều người lo lắng về một kịch bản lặp lại của thị trường địa ốc: Khi giá xuống, người có nhu cầu thực vẫn không mua được vì so với thu nhập nó vẫn quá cao, và BĐS chảy vào những đại gia lắm tiền nhiều của. Khi thị trường phục hồi, nước tiếp tục chảy chỗ trũng, và thị trường không bao giờ dành cho người ít tiền.
Tuy nhiên, theo một số người am hiểu, thì không ít ngân hàng hiện tại đã bội thực với các dự án BĐS mà chính họ là chủ đầu tư (công khai hoặc không công khai), hoặc bảo lãnh cho vay mà chưa biết khi nào mới thu hồi được vốn. Nên mặc thị trường đầy rẫy các dự án muốn bán rẻ, ngân hàng chẳng tha thiết gì. Càng khó có một làn sóng ngân hàng ồ ạt đi lùng mua dự án BĐS giá rẻ, bởi vốn dĩ những BĐS đang nắm trong tay họ cũng đã xuống giá, khó đẩy hàng đi thu vốn về, thì còn muốn ôm thêm để giải quyết vấn đề gì?
Trên thực tế, ngay từ đầu năm, một số thông tin đồn đoán thị trường có sóng tháng 4 hòng cứu vớt cơn khát vốn kiệt quệ của DN BĐS, nhưng đến nay đã qua tháng 5, khi lần lượt các động thái nới lỏng tín dụng đã tung ra, sóng thị trường vẫn im như thóc và giá vẫn tiếp tục trượt dài mặc cho các chủ đầu tư, nhà đầu tư và những người có chút lợi ích liên quan đến giá địa ốc tha hồ dự báo giá đã chạm đáy không thể giảm thêm, giá vẫn tiếp tục giảm và sức mua vẫn ì ạch đầy thách thức.
Một DN bán dự án cho ngân hàng thừa nhận "Ngân hàng không hề bỏ tiền ra mua mà chỉ là trừ đi khoản nợ của DN với mức giá hời hơn so với thị trường”.
Như vậy, về bản chất, nói ngân hàng mua lại dự án chỉ là một khái niệm hoa mỹ. Về bản chất, chẳng qua là xiết nợ. Và việc phát mãi có thể sớm xảy ra nếu như khả năng tài chính của nhà băng không cho phép xiết nợ và ôm qúa nhiều khách hàng trả bằng dự án nhà đất.
Bên cạnh đó, DN ở Hà Nội bán lại dự án cho ngân hàng chủ yếu là những dự án mới bắt đầu triển khai, hoặc các nhà đầu tư mới gia nhập thị trường, còn non tay, làm dự án ở những khu vực như: Pháp Vân - Tứ Hiệp; Từ Liêm; Cầu Giấy.
Như vậy cũng đồng nghĩa với việc giá BĐS còn giảm tiếp là có nhiều khả năng xảy ra.
"Ngay một ngân hàng vừa ồn ào chuyện đi mua lại dự án BĐS giá rẻ cũng là ngân hàng từng đầu tư, cho vay nhiều vào BĐS. Vì vậy có thể khẳng định thị trường BĐS khó nóng lên nhờ vào các chiêu mua lại từ các ngân hàng chủ nợ này", một cựu tổng giám đốc NHTM cổ phần nhận định.
Khiếp sợ trước sự ảm đạm không nhúc nhích của thị trường, những đại gia lớn cũng khẳng định sẽ bán sỉ dự án cho các nhà đầu tư hoặc hạ giá bán để thu tiền, trả nợ, tái đầu tư… và giảm áp lực trả lãi vay. Kế hoạch trong năm 2012 của các công ty này chỉ tập trung vào các dự án mũi nhọn có tính thanh khoản cao.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã khẳng định, van tín dụng năm nay không thể tăng quá 15% - 17%. Đồng nghĩa với việc không có chuyện có dòng tiền lớn chảy vào thị trường BĐS. Các khoản tín dụng của các ngân hàng dành cho vay mua nhà ở đối với các nhân cũng chỉ loanh quanh ở mức công bố vài trăm tỷ đồng, là quá nhỏ, không đủ để tạo khởi sắc cho thị trường BĐS.
Hương Giang