Ngân hàng cũng găm giữ ngoại tệ?
Bên lề hành lang Quốc hội, Đại biểu Vũ Viết Ngoạn (Đoàn đại biểu tỉnh Khánh Hòa), Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Tài chính Tài chính Quốc gia trao đổi với Infonet xoay quanh nghi vấn này.
Mặc cho việc Ngân hàng Nhà nước đã nới room tỷ giá thêm 1% từ đầu tháng 5/2015, nhưng tỷ giá vẫn đang diễn biến khó lường. Có những phiên giao dịch tỷ giá niêm yết trong hệ thống ngân hàng chỉ cách trần 45-50 đồng/USD. “Liều thuốc” nới room vẫn khiến thị trường chưa “êm”, thưa ông?
Trước hết chúng ta phải nhìn nhận ở góc độ chính sách tỷ giá thời gian qua ưu tiên củng cố và làm tăng lòng tin của công chúng vào giá trị đồng Việt Nam. Nhu cầu đó đặt ra đúng đắn, đúng thời điểm. Còn nhớ năm 2011Việt Nam gặp loạt biến cố như lạm phát cao, nhập siêu quá lớ; rồi tình trạng đầu cơ vàng, ngoại tệ ở thời điểm đó cũng rất lớn… đã ảnh hưởng tới lòng tin của công chúng vào đồng nội tệ. Diễn biến kinh tế bị tác động cả yếu tố bên trong, bên ngoài.
Đại biểu Vũ Viết Ngoạn: Tỷ giá còn điều chỉnh hay không phụ thuộc vào diễn biến thị trường |
Với tình hình kinh tế hiện nay, nhập siêu đã bắt đầu quay trở lại sau nhiều năm chúng ta xuất siêu. Kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi, nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị lớn. Giá cả mặt hàng lương thực trên thị trường thế giới giảm tới 23% (theo chỉ số của Economic) đã khiến giá hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Nhập khẩu tăng lên, trong khi xuất khẩu giảm đã tác động tới kết cấu nền kinh tế và cả yếu tố tâm lý của thị trường.
Ở thời điểm hiện nay nhà điều hành chính sách đang nghiên cứu rất kỹ kinh tế học hành vi, hành vi của thị trường phản ứng theo cách thức nào, suy nghĩ của thị trường nào tác động tới cung cầu ngoại tệ… Không chỉ dừng lại ở tâm lý mà thể hiện bằng hành động cụ thể của các chủ thể trên thị trường đã tác động tới quan hệ cung cầu.
Vậy liệu có hiện tượng găm giữ để đẩy giá USD lên cao, kiếm lời hay không, thưa ông?
Tất nhiên điều đó không tránh khỏi. Từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng, nhà xuất khẩu, nhập khẩu … đều găm giữ ngoại tệ.
Nhưng cân đối ngoại tệ của chúng ta hiện nay vẫn đang thặng dư, đó mới là yếu tố quan trọng. Tất cả các chủ thể trên thị trường cũng cần nhìn nhận, đánh giá tránh hành vi ứng xử đi ngược lại yếu tố căn bản của thị trường.
Tôi cho rằng cần có thông tin đầy đủ, phân tích kỹ lưỡng trước mắt, lâu dài. Chính sách cũng cần nhìn vào đó để có điều chỉnh phù hợp, kể cả xuất khẩu, nhập khẩu, cán cân thanh toán nói chung và cung cầu ngoại tệ trên thị trường… Nếu kiểm soát tốt những “hành vi” đó thì sẽ hạn chế những mặt trái không cần thiết.
Ông vừa nói các ngân hàng cũng găm giữ, đầu cơ ngoại tệ…?
Tôi không nói các ngân hàng đầu cơ ngoại tệ. Theo quy định thì trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng được cộng, trừ không quá 20% vốn điều lệ. Nên có lúc họ bán trước mua sau, rồi mua trước bán sau… đó cũng là hoạt động bình thường.
Dư địa điều chỉnh tỷ giá 2% đã được Ngân hàng Nhà nước dùng hết. Với diễn biến tỷ giá còn khó lường như hiện nay có là áp lực phải điều chỉnh tỷ giá những tháng cuối năm hay không, thưa ông?
Việc điều chỉnh thêm tỷ giá hay không, điều chỉnh mức nào thì hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của người điều hành chính sách. Động thái điều chỉnh tỷ giá có diễn ra nữa hay không cũng còn căn cứ vào yếu tố nền tảng vĩ mô.
Tỷ giá ngoại hối vẫn không ngừng "nhấp nhổm" kể từ sau đợt nới room thêm 1% từ ngày 7/5 |
Bên cạnh đó, yếu tố cơ bản nền tảng vĩ mô dù có sự thay đổi so với trước đây nhưng chưa tạo ra những thay đổi quá lớn khi cán cân thanh toán vẫn đang được dự báo là sẽ thặng dư. Tuy nhiên, nguồn ngoại tệ chảy vào trong nước rồi có thể chuyển vào hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước hay không còn phụ thuộc vào hành vi ứng xử của thị trường.
Vì thế, Ngân hàng Nhà nước cần điều hành và thông tin để hạn chế hành vi ứng xử thị trường không đi lệch với xu hướng yếu tố cơ bản. Đó mới là điều quan trọng.
Việc Chính phủ muốn vay dự trữ ngoại hối có tác động tới tăng tỷ giá thời gian tới, thưa ông?
Về mặt nào đó khó tránh khỏi tâm lý của không ít người trên thị trường và điều chỉnh hành vi của mình. Nhưng cho đến giờ, chính sách này vẫn chưa hiện thực hóa, mà vẫn đang là chủ trương, định hướng.
Giả định Chính phủ vay ngắn hạn như trong vài ba tháng hoặc dưới 1 năm, số tiền cũng không lớn lắm thì về cơ bản nó không tác động tới quan hệ cung cầu ngoại tệ.