Ngân hàng cầu cạnh khách vay tiền
Ngân hàng cầu cạnh khách vay tiền
Tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống ngân hàng tính đến thời điểm cuối tháng 8 nhích khá chậm, chỉ đạt 1,4% so với cuối năm ngoái. Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần có trụ sở tại TP HCM tâm sự 7 tháng đầu năm, dư nợ tại nhà băng ông chỉ tăng được 1%. Đến cuối tháng 8 không tăng mà còn quay đầu giảm nhẹ.
Từ thực tế này, cuộc đua tìm kiếm khách hàng tốt để cho vay của các ngân hàng càng trở nên khốc liệt hơn khi thời gian còn lại của năm khá ít. Nhiều nhà băng đang 'vắt óc" suy nghĩ để tìm cách thu hút khách vay tiền. Giám đốc Marketting và Phát triển hệ thống của VietBank thừa nhận, trong bối cảnh kinh tế đi xuống, ngân hàng nào cũng muốn tìm doanh nghiệp tốt.
Xây dựng đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp là cách để ngân hàng ghi điểm với khách hàng. Ảnh: L.C. |
Chiêu phổ biến nhất để thu hút doanh nghiệp vay vốn là giảm lãi suất. Trong tháng 8 vừa qua, hàng loạt ngân hàng như Maritime Bank, DongA Bank, Vietinbank, Sacombank... dồn dập tung thêm các gói giảm lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp xuống dưới 12-13%, thậm chí 10-11%. Ngân hàng Phương Đông (OCB) không chỉ giảm lãi suất cho khách hàng tốt mà còn ưu đãi lãi suất cho những doanh nghiệp có lãnh đạo là nữ.
Nhiều ngân hàng khác thu hút khách bằng cách rầm rộ triển khai các chiến dịch quảng cáo thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để truyền đi những tin tức về sản phẩm, dịch vụ hoặc hoạt động ngân hàng cho khách hàng.
Cũng có nhà băng chú trọng vào việc biến mỗi nhân viên nghiệp vụ thành một thế mạnh thực sự của mình. Theo lý giải của một lãnh đạo ngân hàng quốc doanh, hầu hết khách hàng đều giao dịch trực tiếp với nhân viên ngân hàng. Mọi cử chỉ, tác phong, hành động của nhân viên nhà băng đều nằm trong mắt của khách hàng và thực tế khách thường đánh giá ngân hàng qua nhân viên. "Nếu cung cách phục vụ của nhân viên tốt thì đây là một cách để các nhà băng 'ghi điểm đối với khách hàng trong bối cảnh khó khăn này", ông nói.
Ngoài ra, các hình thức tổ chức hội nghị, hội chợ triển lãm,... qua đó giới thiệu nhiều hơn về các loại hình dịch vụ của ngân hàng đến với khách hàng cũng được một số nhà băng sử dụng tối đa. Thậm chí, có ngân hàng còn sẵn sàng cung cấp luôn số điện thoại di động của các lãnh đạo hội sở, chi nhánh, phòng giao dịch tại buổi hội nghị để doanh nghiệp tiện liên hệ, trao đổi khi có nhu cầu vay vốn.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp cho hay, bản thân họ đang được các ngân hàng 'săn đón' một cách triệt để. Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Ba Huân Phạm Thanh Hùng bộc bạch, công ty ông thường xuyên nhận được các cuộc gọi điện thoại "hỏi thăm, chăm sóc" từ phía các ngân hàng.
"Họ hỏi thăm thường xuyên và khi mình có nhu cầu vay là các ngân hàng sẵn sàng đáp ứng. Thậm chí, có những nhà băng mà chúng tôi chưa từng hợp tác cũng năng gọi điện đặt vấn đề cấp tín dụng. Nhưng do đã được vay vốn tại một số ngân hàng và chúng tôi không còn nhu cầu vay thêm nên cũng từ chối", ông Hùng chia sẻ với VnExpress.net.
Ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Chính sách công, Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright - nêu một nghịch lý đang khiến các ngân hàng phải đau đầu. Đó là việc ngân hàng muốn cho các doanh nghiệp có dòng tiền mạnh vay nhưng đối tượng này lại đang muốn giảm gánh nặng nợ và không cần quan tâm những sự mời chào của các nhà băng. Ngược lại, doanh nghiệp yếu thì lại cần tiền nhưng ngân hàng lại không muốn cho vay thêm với những đối tượng này.
Trong bối cảnh tín dụng vẫn tắc đầu ra và nợ xấu còn chất cao như núi, các doanh nghiệp "khỏe" thường có cơ cấu nợ hợp lý và quản trị dòng tiền tốt. Do đó, cũng theo chuyên gia Thành, xu hướng thoái nợ - giảm sự phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, đang được nhóm doanh nghiệp này áp dụng. Vì thế, ngân hàng càng "đói" khách hơn và càng phải tham gia cuộc đua tìm khách hàng tốt gắt gao hơn.
Nhìn nhận thực thực trạng này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, xu hướng thoái nợ trong bối cảnh này của các doanh nghiệp sẽ góp phần giải quyết cái gốc của vấn đề nợ xấu, tín dụng "tắc" mà nền kinh tế đang nếm phải. "Chính sự lệ thuộc quá nhiều vào vốn ngân hàng đã khiến quy mô tín dụng tăng nhanh, gây bất ổn về vĩ mô", vị này nhận xét.
Theo đó, ông Ánh cho biết với những khách hàng tốt, thậm chí các ngân hàng còn phải tranh giành nhau. "Tuy nhiên, bây giờ không chỉ khó trong chuyện tranh giành mà bản thân ngân hàng cũng phải nâng tầm của họ lên để phân biệt đâu là khách hàng xấu, đâu là tốt, chứ không chỉ trông chờ vào báo cáo tài chính là đủ", ông Ánh cảnh báo.
Thanh Lan - Lệ Chi
Theo VnE