Nga sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực thông tin truyền thông
Tham dự buổi tiếp và làm việc, về phía Bộ TT&TT Việt Nam có đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, Văn phòng, Cục Viễn thông, Cục PTTH&TTĐT, Cục Thông tin đối ngoại, Cục Báo chí, Cục Xuất bản, In và Phát hành, Trung tâm Thông tin, Trung tâm Báo chí và Hợp tác truyền thông quốc tế, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Tổng Công ty truyền thông đa phương tiện VTC.
Về phía Nga có đại diện Đại sứ quán Nga tại Việt Nam, đại diện Hãng Thông tấn Nga TASS tại Việt Nam, Kênh truyền hình RT, Công ty SPB TV và Công ty Okno TV.
Tại buổi tiếp và làm việc với Đoàn Bộ Thông tin liên lạc và Truyền thông đại chúng Liên bang Nga, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm bày tỏ sự vui mừng vì sự phát triển trong quan hệ truyền thống giữa hai nước nói chung và giữa hai Bộ nói riêng. Lĩnh vực mà hai Bộ phụ trách là thông tin và truyền thông. Đây cũng là phương tiện quản lý và phát triển, tăng cường giao lưu giữa nhân dân và doanh nghiệp hai nước.
Thứ trưởng Volin Alexey Konstantinovics bày tỏ sự nhất trí cao với Thứ trưởng Phan Tâm, theo đó quan hệ giữa hai nước luôn dựa trên tình đồng chí và cần được gìn giữ phát triển. Trong lĩnh vực TT&TT, hai nước có nhiều cơ hội phát triển và hợp tác. Nga và Việt Nam là hai quốc gia nằm xa nhau về khoảng cách địa lý nên không thể hỗ trợ nhau về sản xuất vì sau đó phải vận chuyển rất xa. Nhưng có những công nghệ không phụ thuộc vào khoảng cách và nguyên vật liệu, đó là công nghệ cao như Internet, truyền thông. Ở một số nước, lĩnh vực này mang lại nguồn thu không kém dầu khí.
Thứ trưởng Volin Alexey Konstantinovics cho biết thêm, tại cuộc họp Chính phủ Nga năm 2016, theo báo cáo của Bộ Công nghiệp Nga, sản xuất công nghiệp của Nga giảm 50 – 60%, trong khi đó ngành TT&TT có mức tăng trưởng chỉ suy giảm từ 20% xuống còn 12%.
Thứ trưởng Bộ Thông tin liên lạc và Truyền thông đại chúng Liên bang Nga nhận định, hai nước Việt Nam và Nga có nhiều triển vọng phát triển hợp tác trong lĩnh vực TT&TT. Đặc biệt là chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước đối với sự phát triển Internet ở cả hai nước.
Theo đó, cả 2 quốc gia đều có quan điểm chung: Trên địa phận địa lý của từng quốc gia và trên không gian Internet đều phải tuân thủ luật pháp của nước đó. Nga rất quan tâm quản lý không gian Internet trên nước mình và Nga cũng sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.
Nga có một số công nghệ thú vị như phần mềm tự động giúp kiểm soát tất cả các mạng, hiện tượng tiêu cực trên mạng Internet sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam.
Đảm bảo an ninh mạng cũng là lĩnh vực có nhiều tiềm năng hợp tác giữa hai nước. Bảo vệ dữ liệu công dân cũng rất quan trọng không chỉ đối với cá nhân mà còn liên quan đến chính phủ điện tử. Hiện nay, việc sử dụng điện toán đám mây đã trở nên phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, để cho công ty nước ngoài thâm nhập vào điện toán đám mây của nước mình không phải là một điều vui mừng vì họ có khả năng kiểm soát toàn bộ thông tin của quốc gia.
Thứ trưởng Volin Alexey Konstantinovics tin rằng đã đến lúc thành lập điện toán đám mây của riêng mình hoặc thành lập đám mây của một số nước, và phải xác định rõ ràng các biện pháp bảo vệ vì nó liên quan mật thiết đến chính phủ điện tử.
Thứ trưởng Volin Alexey Konstantinovics chia sẻ, cách đây 5 năm, Tổng thống Nga chỉ thị số lượng dịch vụ điện tử cung cấp cho người dân phải đạt 70% và đến năm 2018 Nga sẽ đạt được mục tiêu này và phía Nga sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm này với phía Việt Nam.
Thứ trưởng Volin Alexey Konstantinovic nêu bật điểm chung của ngành truyền hình hai nước là đang trong quá trình chuyển sang sử dụng truyền hình số. Nga đang nỗ lực nghiên cứu, triển khai công nghệ trong nước trong lĩnh vực truyền hình để giảm bớt sự phụ thuộc nhập khẩu công nghệ. Một số công ty của Nga đã đưa ra các giải pháp truyền hình có chi phí rẻ hơn so với các công nghệ tương ứng trên thế giới.
Đoàn của Bộ Thông tin liên lạc và Truyền thông đại chúng Liên bang Nga trong buổi làm việc với VNPT và Ban Tuyên giáo Trung ương đã giới thiệu công nghệ cao Internet để xem truyền hình. Công nghệ này rất phù hợp để đưa các chương trình truyền hình của Việt Nam đến với hơn 5 triệu người Việt đang sinh sống ở nước ngoài. Công nghệ này cho phép người sử dụng ở bất cứ đâu cũng xem được truyền hình mà không phụ thuộc vào tín hiệu vệ tinh.
Giải pháp truyền hình này hiện đang được 60 triệu người sử dụng trên thế giới. Thậm chí người xem truyền hình sử dụng công nghệ 2G cũng xem được các chương trình truyền hình. Giải pháp này đã được thử nghiệm tại Ấn Độ nơi có hạ tầng yếu kém, lượng người xem đông, tuy nhiên dung lượng truyền tải lại không quá nặng trên mạng 2G.
Thứ trưởng Volin Alexey Konstantinovics cho biết thêm, Kênh truyền hình Nước Nga ngày nay (Russian Today – RT) đã gặp gỡ với VTV và VTV sẵn sàng hợp tác với RT để sản xuất chương trình truyền hình. RT có 1 thư viện với nhiều tài liệu, ảnh, bài về các sự kiện đang diễn ra tại Nga trong nhiều lĩnh vực như chính trị, thời trang, thể thao… và RT đang muốn tìm đối tác Việt Nam để chuyển giao tài liệu miễn phí. RT cũng sẵn sàng tiếp đón các cán bộ kỹ thuật, phóng viên Việt Nam sang tập huấn, trao đổi kinh nghiệm.
Thứ trưởng Volin Alexey Konstantinovics khẳng định phía Nga sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm với Việt Nam về chính phủ điện tử, đảm bảo an ninh mạng, tổ chức hội nghị bàn tròn với các phóng viên Việt Nam, giới thiệu các hoạt động của RT và giới thiệu các công nghệ truyền hình của Nga.
Phát biểu tại buổi tiếp, Thứ trưởng Phan Tâm bày tỏ sự cám ơn đối với những đề xuất hơp tác từ phía Nga và tin rằng buổi gặp gỡ hôm nay sẽ mở ra những cơ hội hợp tác mới trong lĩnh vực TT&TT ở cấp chính phủ và cấp doanh nghiệp.
Thứ trưởng Phan Tâm nhận định, hiện nay cả Nga và Việt Nam đều đang xây dựng kinh tế số, kinh tế tri thức, trong đó thông tin và dữ liệu là năng lượng cho nền kinh tế mới. Chúng ta có trách nhiệm khai thác nguồn năng lượng này và tạo ra một môi trường an toàn, tin cậy. Việt Nam cũng đang quan tâm đến thực thi pháp luật trên Internet, đặc biệt là dịch vụ xuyên biên giới. Đối với các dịch vụ này một mặt thì kiểm soát nhưng mặt khác vẫn tạo điều kiện phát triển.
Trong lĩnh vực an toàn thông tin, Việt Nam đang gặp một số thách thức và kinh nghiệm của Nga rất hữu ích với Việt Nam. Cách đây 2 năm, Việt Nam đã cử một đoàn chuyên gia của VNCERT sang Nga trao đổi kinh nghiệm. Và trong thời gian tới, trên cơ sở đề xuất của Thứ trưởng Volin Alexey Konstantinovics hai bên sẽ thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này. Trong lĩnh vực an toàn thông tin, sự tin cậy lẫn nhau là vô cùng quan trọng và có niềm tin vững chắc vào nhau thì mới có thể hợp tác sâu rộng.
Đối với truyền hình kỹ thuật số, VTC sẽ quan tâm đến các công nghệ, giải pháp của RT và sẽ tiếp cận theo cơ chế thị trường. Bộ TT&TT Việt Nam khuyến khích thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa VTC và các đối tác Nga.
Về đầu mối xúc tiến hợp tác, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết về phía Bộ TT&TT Việt Nam là Vụ Hợp tác quốc tế. Phía Nga cho biết đầu mối của họ là Đại sứ quán Nga tại Việt Nam. Thứ trưởng Phan Tâm cho biết thêm, Bộ TT&TT Việt Nam sẽ cử hai đoàn, một đoàn về báo chí và một đoàn về PTTH, thông tin điện tử, an ninh mạng sang Nga để trao đổi kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới