Nga “đáp trả” ý đồ xung đột quân sự của NATO
Theo RIA Novosti, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Thượng viện Nga Franz Klintsevich tuyên bố, Nga đã chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với cuộc xung đột quân sự quy mô lớn mà Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể "khơi mào".
Trước đó, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov cho rằng, các kịch bản diễn tập quân sự chuyên sâu của khối NATO cho thấy liên minh quân sự này đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột quân sự quy mô lớn.
Nga sẵn sàng đối phó trước nguy cơ xung đột quân sự với NATO. (Ảnh tư liệu). |
“Nền quốc phòng của Nga đang ở trình độ cao nhất, ban lãnh đạo quân sự của Nga đã thực hiện mọi biện pháp cần thiết để hành động trong trường hợp xảy ra kịch bản tiêu cực như vậy”, ông Klintsevich nói.
Ông lưu ý rằng, phương Tây đại diện là NATO hiện đang hoạch định kịch bản hành động, bao gồm cả các nước Cộng hòa Baltic thuộc Liên Xô cũ và các nước từng trong Hiệp ước Warszawa.
“Hiển nhiên, điều đó khiến chúng tôi lo ngại sâu sắc, đặc biệt là trong bối cảnh Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp ước về loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF)”, ông Klintsevich nói. Đồng thời, ông Klintsevich nhấn mạnh, Nga không chuẩn bị bất kỳ cuộc tấn công nào, như phương Tây thường xuyên cáo buộc.
“Tuy nhiên, dù sao chăng nữa chúng tôi luôn bị gán cho là “kẻ xâm lược” và người ta dùng điều này như cái cớ để mở rộng sức mạnh quân sự của NATO”, ông Klintsevich tuyên bố.
Trong khi đó, không phải ai ở Washington cũng ủng hộ kế hoạch Mỹ rút khỏi INF. Một số thượng nghị sĩ Mỹ chỉ trích ý định của ông Donald Trump, nói rằng động thái này "thiếu sự tính toán chiến lược" và có thể gây nguy hiểm cho các kiệp ước kiểm soát vũ khí khác.
Hiệp ước INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 08/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/6/1988. Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình trên mặt đất tầm ngắn và tầm trung (từ 500 đến 5.500 km). Đây là hiệp ước đầu tiên giữa Washington và Moscow về giải trừ vũ khí hạt nhân và được xem là “hòn đá tảng” cho việc duy trì hòa bình thế giới suốt hơn 3 thập kỷ qua.