Nếu thuận lợi thì cuối quý 1/2020 nguồn cung thịt lợn mới được bổ sung
Bộ NN&PTNT cho biết, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), số lợn bị tiêu hủy quá lớn từ tháng 5 đến tháng 8/2019 (tiêu hủy cao nhất trong tháng 5/2019 là 1,27 triệu con, tháng 6 là 957,15 nghìn con, tháng 7 là 883,7 nghìn con và tháng 8 là 724,7 nghìn con) đã ảnh hưởng đáng kể đến nguồn cung thịt lợn cho tiêu dùng trong nước các tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020.
Theo Bộ NN&PTNT, căn cứ chu kỳ nuôi lợn thịt (trung bình 5-6 tháng/lứa) và chu kỳ sinh sản lợn nái (trung bình 6 tháng/lứa); căn cứ thời điểm khống chế bệnh DTLCP của các địa phương…Việc tái đàn lợn để đảm bảo nguồn cung khắc phục khủng hoảng thiếu thịt lợn các tháng cuối năm sẽ diễn ra theo 3 kịch bản.
Với kịch bản 1, các cơ sở được công bố hết dịch và chủ động tái đàn ngay từ tháng 10/2019 (đầu quý 4/2019) theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp; các trang trại lớn tiếp tục kiểm soát tốt bệnh DTLCP và thực hiện đúng kế hoạch sản xuất.
Nguồn cung thịt lợn cho thị trường sẽ được bổ sung từ cuối quý 1/2020 và từ quý 2/2020, sản lượng thịt lợn xuất chuồng sẽ tiếp tục được tăng lên.
Riêng 17 doanh nghiệp chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn và an toàn với tổng đàn nái hiện tại 501,2 nghìn con (tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2018) cho phép xuất chuồng 220-230 nghìn tấn thịt lợn hơn vào quý 1/2020. Các quý tiếp theo tương ứng tăng khoảng 40-65 nghìn tấn sẽ đáp ứng phần nào sự thiếu hụt nguồn cung cho nhu cầu trong nước.
Theo kịch bản 2, các cơ sở được công bố hết bệnh DTLCP thận trọng khi tháng 12/2019 tình hình dịch được khống chế cơ bản và tái đàn từ quý 1/2020 (trường hợp này đang gặp ở một số địa phương).
Các trang trại lớn tiếp tục kiểm soát tốt và phát triển sản xuất đúng kế hoạch... Nguồn cung thịt lợn cho thị trường sẽ được bổ sung từ cuối quý 2/2020.
Còn theo kịch bản 3, nếu vì lý do nào đó bệnh DTLCP bùng phát trở lại và lây lan trên diện rộng, việc tái đàn không hiệu quả; các doanh nghiệp lớn bị ảnh hưởng, ... nguồn cung thịt lợn cho thị trường sẽ có nguy cơ bị khủng hoảng nặng.
Với kịch bản này, chúng ta đã có phương án chăn nuôi gia cầm, gia súc ăn cỏ. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2019, mặc dù ảnh hưởng bệnh DTLCP sản lượng thịt lợn giảm, tuy nhiên do chỉ đạo quyết liệt tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung, tái cơ cấu ngành chăn nuôi nói riêng của cả hệ thống chính trị, sản phẩm thịt gia cầm và gia súc ăn cỏ có sự tăng mạnh để bù đắp cho sự thiếu hụt của thịt lợn.
Cụ thể, sản lượng thịt gia cầm ước đạt trên 1,26 triệu tấn, tăng 15%; sản lượng thịt bò trên 350 nghìn tấn, tăng 4,4% so với năm 2018.
Bộ NN&PTNT cho biết, từ tình hình sản xuất và các kịch bản trên cho thấy mặc dù lượng thịt lợn thiếu hụt có thể được bù đắp một phần bằng các thực phẩm khác như thịt gia cầm, thịt gia súc ăn cỏ, ước khoảng 180 nghìn tấn thịt hơi (tương đương 125 nghìn tấn thịt xẻ), trứng gia cầm tăng 12% (khoảng 1,4 tỷ quả), thủy hải sản tăng.
Bộ Nông nghiệp và các địa phương tích cực chỉ đạo, hướng dẫn công tác tái đàn tại các cơ sở đủ điều kiện; các doanh nghiệp lớn chủ động phát triển kế hoạch sản xuất; ....
Tuy nhiên, theo Bộ NN&PTNT do thịt lợn là thực phẩm thiết yếu và kịch bản 1 là tốt nhất.
“Chúng ta cũng cần xem xét triển khai các giải pháp tăng nguồn cung từ việc nhập khẩu thịt tại các thị trường an toàn và giá phù hợp đáp ứng cho tiêu dùng trong nước hiện nay đến hết quý 1/2020”, Bộ NN&PTNT cho hay.