'Nếu tăng lương, doanh nghiệp sẽ chết hẳn'
Trong cuộc hội thảo bàn về tác động của các chính sách lao động tới doanh nghiệp diễn ra sáng nay, nhiều hiệp hội doanh nghiệp đã đề xuất Bộ lao động cần tính toán chọn thời điểm tăng lương tối thiểu cho phù hợp với hiện trạng nền kinh tế.
Ông Nguyễn Hữu Sự, đại diện Hiệp hội Công thương Hà Nội cho biết, thực tế, để tăng lương tối thiểu, không chỉ có doanh nghiệp vất vả, khổ sở, ngay cả quản lý nhà nước cũng khó khăn. "Vấn đề căn bản là tiền đâu ra để trả lương? Xem xét lộ trình tăng lương không phải ở việc hoãn trong bao nhiêu tháng, mà là đến khi nào mới nên áp dụng. Kinh tế đang suy thoái, doanh nghiệp còn đang hỏi nhau sống hay chết. Chưa tăng lương, doanh nghiệp đã ngắc ngoải, còn nếu tăng, chắc là chết hẳn", vị này nhận xét.
Nhiều doanh nghiệp có thể phải cắt giảm nhân sự hoặc phá sản nếu Chính phủ áp dụng mức lương tối thiểu mới. |
Ông Đoàn Trí Bằng, đại diện của hiệp hội doanh nghiệp Đài Loan chia sẻ, trong khi nhu cầu sống của người lao động ngày càng cao, doanh nghiệp dù có nỗ lực tăng mức tiền lương để đáp ứng thì lạm phát gia tăng khiến cố gắng của họ đổ xuống sông xuống biển. "Chúng tôi rất mong Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cân nhắc hỗ trợ doanh nghiệp, ít nhất về thời điểm điều chỉnh tăng lương".
Riêng đại điện của Hiệp hội Da giày Việt Nam cho biết, chi phí lương hiện chiếm khoảng 10% trong giá thành sản phẩm của các doanh nghiệp trong ngành. "Lương tối thiểu tăng thì tất cả các dịch vụ như điện, nước, thuê nhà xưởng cũng tăng theo. Tăng lương tối thiểu mà không quan tâm đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp thì khi doanh nghiệp không trụ nổi với gánh nặng tài chính, người lao động cũng sẽ bị ảnh hưởng theo, và tăng trưởng kinh tế cũng chịu tác động không nhỏ".
Trước đó, trong nội dung dự thảo Nghị định (lần 4) quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang vừa được đưa ra lấy ý kiến góp ý của người dân, Bộ Nội vụ đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,15 triệu đồng/tháng để tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp lương và thực hiện các chế độ khác theo quy định tháng từ ngày 1/7 tới.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 4, Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, phương án điều chỉnh lương tối thiểu sẽ được cân nhắc, lùi thời hạn thay vì ngày 1/7 như dự kiến. Lý do là tình hình 2013 dự kiến còn nhiều khó khăn, nếu điều chỉnh ngay mức lương tối thiểu sẽ khiến các doanh nghiệp chịu thêm gánh nặng chi phí, có khả năng phá sản, đặc biệt các ngành dệt may, da giày, gia công. Do đó, mức lương tối thiểu cần được điều chỉnh theo lộ trình cân nhắc, đảm bảo có sự chia sẻ giữa doanh nghiệp và người lao động.
Hạ Minh