"Neo” tỷ giá dao động 1%: mong manh
"Neo” tỷ giá dao động 1%: mong manh
Giá bán đô la Mỹ trong hệ thống ngân hàng đã được đẩy lên kịch trần 20.915 đồng/USD Ảnh: Huệ Anh |
TS. Võ Trí Thành – Phó viện trưởng Viện quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) bình luận về câu chuyện “neo” tỷ giá dao động quanh mức 1% của Ngân hàng Nhà nước.
Liên tục 10 ngày qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng tới 7 lần, lần tăng ít nhất 10 đồng, và nhiều nhất là 20 đồng. Căng thẳng tỷ giá đã bắt đầu lộ diện, thưa ông?
-TS. Võ Trí Thành: Nhìn tổng thể, áp lực lên đồng Việt Nam theo hướng mất giá rất cao. Thêm nữa, thâm hụt thương mại Việt Nam dù được thu hẹp nhưng còn lớn. Ngoài ra, sự chênh lệch giữa huy động – cho vay bằng đồng đô la cũng đáng quan ngại. Vay bằng đô la đang cao hơn rất nhiều so với huy động, trong số đó có những khoản vay không tạo ra đô la kinh doanh trong nước, và sẽ đáo hạn vào cuối năm. Cùng với đó là áp lực vòng xoáy vàng cũng khiến căng thẳng tỷ giá gia tăng.
Câu chuyện là từ nay tới cuối năm mức độ ổn định tỷ giá thế nào? Liệu có khả năng ổn định một cách tương đối? Tất nhiên, mức độ dao động nhất định điều ấy là không bình thường, dao động tới mức nào phụ thuộc vào khả năng ứng xử với những áp lực nêu trên.
Có nhiều vấn đề liên quan tới thương mại, thông thương thị trường vàng trong nước và thế giới, xử lý lợi tức trong gửi, huy động tiền đồng và đô la... Tuy nhiên, có một điểm rất căn bản là, chúng ta chỉ có thể xử lý được tương đối ổn vấn đề này khi thực sự kéo lạm phát và kỳ vọng lạm phát xuống thấp.
Bên cạnh đó, trong chừng mực nhất định phải có cách thức huy động nguồn vốn ít rủi ro từ bên ngoài. Kết hợp 2 khía cạnh này cùng những chính sách khác, có thể đồng Việt Nam mất giá nhưng mất giá không tới mức xáo trộn ổn định kinh tế vĩ mô, đời sống hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Diễn biến tỷ giá đang theo chiều hướng không mấy khả quan, nhưng NHNN vẫn khẳng định từ nay tới 31/12/2011 sẽ phá giá đồng tiền không quá 1%. Theo dự đoán của ông, đồng Việt Nam nên phá giá ở mức độ bao nhiêu để là hợp lý và tránh gây sốc?
-TS. Võ Trí Thành: Việc neo tỷ giá ở mức tương đối ổn định cũng không phải là mới. Việc neo tỷ giá có hai ý nghĩa quan trọng: trước hết là tạo niềm tin tốt cho thị trường, gắn với sự ổn định cho người dân kinh doanh. Kế đến, nó giảm được vòng xoáy đô la hóa, mất giá, từ đó kéo lạm phát xuống.
Nhưng cách làm này cũng có thể có điểm yếu, nếu trước áp lực quá lớn mà mục tiêu không thực hiện được thì sẽ tạo hiệu ứng ngược, mất lòng tin trong dân chúng với những quyết sách điều hành tiếp theo. Về khách quan, tôi cho rằng khả năng níu giữ đồng tiền Việt phá giá không quá 1% trên thị trường liên ngân hàng như Thống đốc khẳng định là có thể được.
Nhưng, câu chuyện không chỉ từ nay tới cuối năm mà phải nhìn dài hạn sang cả năm sau. Điều tôi muốn khẳng định: Muốn kéo được, giảm được tốc độ mất giá đồng Việt Nam quan trọng nhất là kéo lạm phát xuống. Đồng thời, hạn chế được thâm hụt cán cân vãng lai, thâm hụt thương mại và dòng vốn có hiệu quả vào tốt hơn.
Còn nghệ thuật điều hành, tôi muốn nhấn mạnh rằng, phá giá danh nghĩa không tạo ra tác động có ý nghĩa cho xuất khẩu, mà có khi còn làm tăng nhập khẩu nếu hành động đó không đi kèm việc giảm lạm phát. Bởi, nếu phá giá đồng tiền mà lạm phát tăng cao hơn mức phá giá, thì tỷ giá thực phản ánh độ cạnh tranh thực yếu đi, trong khi nhu cầu nhập khẩu cao, chưa kể tới cơ cấu kinh tế.
Nên, nói về chính sách, quan trọng nhất vẫn là phải kéo lạm phát xuống, gắn liền với đó là quản trị lại cán cân thanh toán quốc tế. Điểm đáng chú ý nữa là, thời điểm chúng ta cần thiết có thể phá giá điều chỉnh tỷ giá ở mức độ nhất định là thời điểm kỳ vọng lạm phát đi xuống và trở nên đáng tin cậy.
Ông đánh giá thế nào về các mệnh lệnh hành chính mà cơ quan quản lý đang áp đặt đối với thị trường?
TS. Võ Trí Thành: Thực ra, chúng ta đã đặt ra một nhiệm vụ khó khăn. Nhưng tôi cho rằng, thời gian tới cơ quan điều hành giảm tối đa mệnh lệnh hành chính điều tiết thị trường càng tốt. Nếu lạm dụng sẽ khiến phân bổ vốn bị méo mó, gia tăng các hành vi, giao dịch có vấn đề, lách luật.
Biện pháp mà vừa qua NHNN làm cho thấy quá trình thực hiện mục tiêu này không đơn giản. Và càng cho thấy, để làm được điều này vẫn phải ổn định kinh tế vĩ mô và giảm lạm phát. Quan trọng hơn, phải thực sự bắt tay cải tổ lại hệ thống NHTM.
Hoài Thu
(thực hiện)
Trong vòng 10 ngày qua, NHNN đã 7 lần liên tiếp điều chỉnh tỷ giá chính thức trong hệ thống, riêng 3 ngày từ 12-15/10, cơ quan này điều chỉnh tỷ giá 3 lần liên tục. Tỷ giá liên ngân hàng đang hiện ở mức 20.708 đồng/USD. Tuy nhiên, giá bán tại các NHTM hiện đang lên kịch trần 20.915 đồng/USD. Giá thu mua chỉ cách giá bán 10 đồng, ở mức 20.905 đồng/USD. Cùng với đà tăng liên tiếp những ngày qua, tỷ giá đã tăng 0,3% về giá trị tuyệt đối, nghĩa là dư địa còn lại theo mục tiêu của NHNN chỉ còn 0,7%. Trên thị trường giao dịch ngoài hệ thống ngân hàng, sáng 16/10, giá đô la Mỹ đã đẩy lên mức 21.450-21.550 đồng/USD (mua vào – bán ra) |