Nên “lúa hóa” website phiên bản di động
Hội thảo “Tối ưu website cho di động” vừa được Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam (VECOM) phối hợp với Cục TMĐT&CNTT – Bộ Công Thương và Tập đoàn Google phối hợp tổ chức chiều nay, 18/5/2015, tại Hà Nội, với sự tham gia của nhiều công ty uy tín trong lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng di động như MobiFone, VietnamPost, Lingo, Deca, Vinalink, Bizweb...
Rất nhiều số liệu hữu ích liên quan tới việc tối ưu hóa website di động có thể giúp doanh nghiệp đạt hiệu quả cao trong hoạt động kinh doanh đã được công bố tại Hội thảo.
Ông Lê Đức Anh, đại diện Cục TMĐT&CNTT, Bộ Công Thương cho biết: Ở Việt Nam, 68% người dùng di động truy cập các website, mạng xã hội vào buổi tối. 90% “smartphone shoppers” (những người mua sắm bằng điện thoại thông minh) dùng điện thoại để khảo sát thông tin trước khi mua sắm, hoặc dùng các ứng dụng mobile để so sánh giá, tìm thông tin khuyến mãi, tìm địa điểm cửa hàng. 19% smartphone shoppers dùng thiết bị di động để thanh toán. 50% smartphone shoppers sử dụng mobile tối thiểu 15 phút cho mỗi lần truy cập.
Khẳng định sự phát triển tất yếu của xu hướng mobile web, ông Hoàng Anh Việt, Công ty Cổ phần Lingo lấy dẫn chứng minh họa từ chính công ty mình: Năm 2012, có tới 90% lượng truy cập vào website của công ty là từ các khách hàng dùng máy tính, đến nay đã giảm xuống con số chỉ còn khoảng 50%. Trong khi đó, tỷ lệ lưu lượng truy cập website bằng mobile đã tăng mạnh từ 17% năm 2013 đến con số khoảng 40% hiện nay.
Tuy nhiên, chỉ có 23% đơn đặt hàng được thiết lập từ mobile, còn 70% vẫn từ desktop. Tìm hiểu thì thấy tâm lý của khách hàng là chỉ dùng mobile để lấy thông tin, còn khi đặt hàng thì vẫn dùng desktop cho chắc ăn. Nguyên nhân một phần do trải nghiệm trên web mobile chưa thực sự tốt để khách hàng an tâm.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: B.M |
Một trong những ý kiến được đánh giá cao nhất tại hội thảo là đề xuất nên “lúa hóa” nội dung website trên phiên bản di động và những khuyến nghị xây dựng mobile web của ông Lê Thiết Bảo, phụ trách trang Deca.vn của Công ty Deca.
“Các website phiên bản di động của doanh nghiệp phải tiếp cận được tới người dùng thu nhập thấp, dân trí thấp. 1 buôn làng có thể không có máy tính nhưng chắc chắn có điện thoại. Trên mobile web, nên tránh dùng từ ngữ cao siêu, khó hiểu, chẳng hạn như từ Hán - Việt, vì khi đó, những người dân buôn làng không hiểu được. Nên “lúa hóa” nội dung mobile web, dùng từ ngữ đơn giản nhất, đừng kỳ vọng người dùng động não nhiều”, ông Lê Thiết Bảo nói.
Chia sẻ kinh nghiệm của chính Deca trong việc xây dựng phiên bản mobile cho website Deca.vn, ông Lê Thiết Bảo đưa ra một số khuyến nghị: Cần tối ưu hóa tốc độ tải trang vì người dùng mobile ngày càng thiếu kiên nhẫn, chỉ cần quá 30 giây không mở được trang thì họ có thể chuyển sang trang khác và không bao giờ quay lại (cần đặc biệt chú ý tới vấn đề tốc độ tải trang đối với người sử dụng gói 3G đã hết băng thông tốc độ cao);
Nên bật GPS để có thể lấy địa điểm của khách hàng và hướng họ đến cửa hàng gần nhất của mình, hoặc tính luôn cước phí vận chuyển trước khi khách hàng nhấn nút Mua.
Đồng bộ giỏ hàng giữa phiên bản web và phiên bản mobile, để khách hàng có thể thực hiện tiếp các thao tác trên mobile đối với những món hàng đang mua dở trên web.
Ông Lê Thiết Bảo đặc biệt lưu ý các doanh nghiệp về sự cần thiết phải sớm xây dựng các website phiên bản di động. Bởi Google vừa tuyên bố sẽ làm tụt hạng search ranking đối với các website không thân thiện với thiết bị di động.
Theo Báo cáo chỉ số TMĐT Việt Nam năm 2014, đã có tới 36% người Việt Nam có điện thoại thông minh (smartphone). Tỷ lệ truy cập Internet hàng ngày từ smartphone là 76%, cao hơn hẳn so với tỷ lệ 59% từ PC và laptop. Thế nhưng mới chỉ có 15% doanh nghiệp có website cho biết đã có phiên bản riêng cho di động. Với những website không hỗ trợ phiên bản di động, người dùng muốn xem thông tin phải mất rất nhiều thời gian lướt ngang lướt dọc, giảm hứng thú truy cập website.
Có thể thấy thương mại di động có tiềm năng lớn nhưng chưa được các doanh nghiệp khai thác hiệu quả.