Nên giao nhiệm vụ phòng, chống khủng bố cho công an và quân đội
|
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định) thảo luận tại hội trường. |
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định) khẳng định, một trong những nguyên nhân khiến tội phạm khủng bố không xuất hiện ở Việt Nam là Đảng, Nhà nước ta chỉ đạo nhiều biện pháp đồng bộ, cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, phát hiện từ xa không cho tội phạm khủng bố xuất hiện ở Việt Nam.
Theo đại biểu Sơn, bố cục chung của dự án luật gồm 8 chương, với 57 điều, được ban soạn thảo chuẩn bị chu đáo, nhưng cần bổ sung, đổi vị trí chương 6 và chương 7 cho phù hợp về trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong phòng chống khủng bố. Bên cạnh đó, đại biểu Sơn cũng đề nghị, ban soạn thảo nghiên cứu sắp xếp lại nội dung điều 11, 12 của Chương 2 về trách nhiệm của lực lượng chuyên trách phòng chống khủng bố, xác định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của từng lực lượng công an, quân đội cho phù hợp.
Góp ý với dự thảo luật, đại biểu Phan Văn Tường (đoàn Thái Nguyên) cho rằng, quy định hiện nay trong dự thảo chỉ mới đưa ra giải pháp chung, chưa có giải pháp tương ứng với nguyên nhân phát sinh khủng bố. Do đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp đối ngoại và phòng ngừa sẽ khắc phục được tình trạng phát sinh khủng bố. "Dự án luật cần quy định rõ hơn về quyền của người chỉ huy trong công tác phòng chống khủng bố để việc thực thi được tốt hơn. Bên cạnh đó, dự án luật cần quy định cho phù hợp với sự hợp tác quốc tế về chống khủng bố", đại biểu Tường nói.
Về khái niệm khủng bố, đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (đoàn TP.Hải Phòng) đề nghị, cần làm rõ khái niệm thế nào là khủng bố, bởi nếu quy định như hiện nay trong dự thảo là chưa đầy đủ. Về hành vi khủng bố cũng nên bổ sung, làm rõ những hành vi như thế nào được coi là khủng bố.
Theo đại biểu Nhiên, việc thành lập lực lượng chuyên trách phòng, chống khủng bố hiện nay là chưa cần thiết, việc này nên giao cho lực lượng an ninh, tình báo thực hiện. Cần quy định rõ trách nhiệm của Bộ Quốc phòng (điều 47) trong việc giúp Chính phủ về công tác phòng, chống khủng bố, có như vậy mới làm rõ trách nhiệm của Bộ Quốc phòng. Về hợp tác quốc tế, cần nghiên cứu thận trọng, bảo đảm chủ quyền an ninh quốc gia, không để các thế lực lợi dụng chống phá.
Bên cạnh đó, đại biểu Nhiên cũng đề nghị, cần rà soát các điều khoản trong dự thảo luật để phù hợp với các quy định của luật khác, bảo đảm thống nhất, đồng bộ.
Đại biểu Lê Văn Hoàng (đoàn Đà Nẵng) nhất trí với việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố không chuyên trách để tránh bị động, đồng thời cho rằng việc thành lập lực lượng chuyên trách hiện nay là chưa cần thiết, sẽ tạo sự chồng chéo. Đại biểu Hoàng cũng đề nghị, nên giao nhiệm vụ phòng chống khủng bố cho lực lượng hiện có như công an, quân đội.
Về thành lập lực lượng chuyên trách, đại biểu Nguyễn Thế Kỳ (đoàn Ninh Thuận) cho rằng, chưa cần thiết thành lập lực lượng chuyên trách, hiện nay công an và quân đội đều có lực lượng đặc biệt và trong những năm qua 2 lực lượng này đã phối hợp nhuần nhuyễn trong diễn tập giải cứu con tin, gây rối… Vì vậy cần giao nhiệm vụ phòng, chống khủng bố cho 2 lực lượng này và trang bị các phương tiện kỹ thuật cho họ để hoạt động hiệu quả hơn.
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Phạm Trường Dân (đoàn Quảng Nam) cho rằng, nên giao cho lực lượng công an và quân đội nhiệm vụ phòng chống khủng bố, đây cũng là cơ quan thường trực để tiếp nhận và xử lý kịp thời thông tin khủng bố.