Nên chọn phương án chỉ định hòa giải viên ở cơ sở
Đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội). Ảnh. Xuân Hải. |
Về phương án bầu hoặc lựa chọn hòa giải viên, bà An cho rằng nên chọn phương án chỉ định hòa giải viên, nếu bầu là rất khó, bởi vì sẽ phải yêu cầu triệu tập dân cư và phải đủ 2/3 dân cư đồng ý, nhưng hiện tại triệu tập rất khó, không phải ở khu phố, làng xóm nào cũng triệu tập được đầy đủ.
Theo bà An, phương pháp chỉ định là hợp lý, nhưng phải dựa trên cơ sở lựa chọn những người có uy tín trong dân cư, vì những người có uy tín có vị trí vô cùng quan trọng trong việc hòa giải các mâu thuẫn tranh chấp. Nếu chọn được người có uy tín thì dân mới tin, họ mới tâm sự, kể lể và mới nghe người hòa giải, còn nếu người hòa giải không có uy tín ở khu dân cư thì không thể hòa giải hay làm gì được dù có trình độ về luật.
Thưa bà, trong báo cáo tổng kết 13 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở thì công tác hòa giải thành công đạt tỷ lệ rất cao, chiếm 80% số vụ, việc (3.488.144 vụ/4.358.662 vụ việc), tuy nhiên trên thực tế các vụ tranh chấp, mâu thuẫn vượt cấp không giảm, ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?
Trong tổng số những vụ được hòa giải thành công thì số vụ được hòa giải thường rơi vào các vụ hòa giải là quan hệ hàng xóm, gia đình nên tỷ lệ hòa giải mới cao như vậy, chiếm 80%.
Ngay cả anh em trong gia đình cũng nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp trong lĩnh vực đất đai, liệu Luật hòa giải có hạn chế được những vụ việc tranh chấp như vậy, thưa bà?
Thời gian qua, chúng tôi nhận được rất nhiều đơn nhưng trong đó có 60 – 70% là khiếu kiện về đất đai, trong quá trình nhận đơn nhiều khi dân cũng không hiểu hết về mặt nội dung cũng như về pháp luật, cho nên là nếu có luật hòa giải thì sẽ giảm bớt đi rất nhiều. Thực ra trong chuyện Luật đất đai vừa rồi, nếu chỉ hòa giải không thì cũng không có hiệu quả, vì ngay cả những văn bản hướng dẫn thi hành về Luật đất đai của mình đôi khi cũng vẫn còn chồng chéo. Đồng thời, còn phụ thuộc vào trình độ của người hòa giải, trình độ người vận dụng, qua đó đã dẫn tới nguyên nhân về hòa giải đất đai ở cơ sở ít thành công là như vậy.
Bên cạnh mâu thuẫn về đất đai thì những khúc mắc trong gia đình vợ chồng cũng thường xuyên xảy ra, nếu không hòa giải được những khúc mắc này sẽ dẫn đến ly hôn, theo bà vai trò của người hòa giải về lĩnh vực này như thế nào?
Bây giờ tình trạng ly hôn diễn ra khá phổ biến và chiếm mức cao ở nước ta, do quan niệm về ly hôn hay quan niệm về gia đình không còn chặt chẽ như thời trước. Cho nên vừa hòa giải vừa phải biết vận dụng Luật thì mới thành công. Theo báo cáo có đến 80% các vụ mâu thuẫn, tranh chấp được hòa giải thành công, tuy nhiên con số thực tế không phải như thế, chúng tôi mong rằng các số liệu khi được đưa ra báo cáo cần phải chuẩn xác hơn, thì công tác đánh giá cũng như dự báo mới chính xác được.
Để công tác hòa giải ở cơ sở thực sự thành công, theo bà cần phải có những biện pháp như thế nào?
Muốn cho hòa giải thành công thì trước hết phải chọn được người hòa giải có uy tín, mới thành công. Nhưng phải đảm bảo tiêu chí, bản thân những người đó luôn giữ được uy tín, đạo đức của mình trong cộng đồng dân cư, gia đình trong mọi lúc, mọi nơi, được mọi người nể trọng, tôi cho rằng những yếu tố đó sẽ có quyết định rất quan trọng trong kết quả hòa giải, còn nếu không có những tiêu chuẩn đó, thì công tác hòa giải sẽ không đạt được kết quả.
Bên cạnh vấn đề đạo đức, uy tín, tâm huyết với công việc thì vấn đề kinh phí hỗ trợ để khuyến khích cán bộ làm công tác hòa giải cũng rất quan trọng, bà có ý kiến gì về vấn đề này?
Về vấn đề này chúng tôi nghĩ cũng nên tạo điều kiện tốt hơn cho người hòa giải viên, tất nhiên về vấn đề này cũng là tế nhị, cũng nên tạo điều kiện vì việc hòa giải cũng mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, hầu hết những người hòa giải họ làm việc vì cái tâm, chứ họ không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì khác. Nhưng các cơ quan quản lý cần quan tâm hơn để họ có điều kiện hoạt động hơn trong hòa giải và hiệu quả sẽ cao hơn.
Để hòa giải được thành công rất mất nhiều thời gian, theo tôi cần có những hỗ trợ cho người làm công tác hòa giải trong quá trình hòa giải.
Xin cảm ơn bà!