Nên can thiệp quyền định giá của DN?
Nên can thiệp quyền định giá của DN?
Quốc hội đặt dấu hỏi về các Quỹ bình ổn giá
Nếu lấy ngân sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia bình ổn giá sẽ tạo ra nghịch lý: Người giàu được trợ giá hơn người nghèo. Ảnh TN
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho biết, nội dung của Luật giá có khá nhiều bất cập. Chẳng hạn như, tại khoản 6, điều 8 nêu rõ các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh lại không có quyền tăng giá khi chi phí sản xuất kinh doanh tăng lên ngoài mong muốn của họ.
"Nhưng vô lý nhất phải kể đến khoản 6, điều 10 quy định mọi hành vi bị cấm là “áp dụng phân biệt về giá, bao gồm phân biệt cả về giá bán buôn hoặc giá bán lẻ khi cung cấp cùng một loại hàng hóa dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân khác nhau”. Điều này là hết sức bất cập vì mức giá bán của cùng một loại hàng hóa sẽ khác nhau do số lượng hàng mua khác nhau, khoảng cách vận chuyển khác nhau…. Nếu coi hành vi trên là bị cấm thì sẽ có hàng loạt doanh nghiệp bị vi phạm", lãnh đạo Vissan thẳng thắn.
Dự thảo Luật giá cũng cần phải nhắc điều khoản về bình ổn giá. Theo quy định của dự thảo, quỹ bình ổn giá sẽ được rót ra từ nguồn dự phòng ngân sách địa phương với lãi suất ưu đãi bằng 0. Theo TS Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế, nguyên tắc xây dựng quỹ bình ổn giá hàng hóa là phải dựa trên nguồn ngoài ngân sách để giảm gánh nặng cho ngân sách. Bình ổn giá hướng vào khâu sản xuất, tổ chức lưu thông sẽ hiệu quả hơn nhiều, chứ không phải là việc mỗi năm rót cho doanh nghiệp vài trăm tỷ đồng. Chính điểm không ổn này khiến cho tác dụng của việc bình ổn giá thực hiện trong thời gian qua rất thấp, tạo ra nghịch lý người giàu được trợ giá nhiều hơn người nghèo.
Đi đầu trong việc không nhận vốn từ ngân sách phải kể đến một số doanh nghiệp tại TP.HCM. “Trong tổng số vốn hỗ trợ cho chương trình bình ổn thị thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn TP năm 2012 và dịp Tết Quý Tỵ 2013 là 311 tỷ đồng, đã có nhiều doanh nghiệp lớn vẫn tiếp tục tham gia nhưng không nhận vốn hoặc chỉ nhận một phần vốn từ chương trình. Song các doanh nghiệp này vẫn đảm bảo cung ứng hàng bình ổn ra thị trường theo hướng tăng 10% - 20% so với năm ngoái. Nếu nhiều doanh nghiệp tự giác không nhận vốn từ chương trình thì sẽ đỡ tốn tiền ngân sách Nhà nước”, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM khẳng định.
Ngoài ra, vấn đề niêm yết giá theo quy định của điều 9 chỉ nhắc tới việc người bán hàng phải có trách nhiệm niêm yết giá nhưng không bắt buộc phải bán đúng giá niêm yết. Điều này gây ra nhiều thiệt thòi cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Bà Trần Thị Mai Trang, đại diện siêu thị Co.op Mart cho rằng: “Tại những siêu thị thường niêm yết giá và bán đúng giá để người mua chủ động thông tin. Song, tại các cửa hàng nhỏ lẻ, các hiệu thuốc thì việc niêm yết giá chỉ là hình thức mà thôi”.
Thúy Ngà