NASA phát hiện băng cổ đại khổng lồ trên hành tinh Đỏ
Một nghiên cứu mang tính bước ngoặt của NASA khi đã phát hiện ra một khối băng khổng lồ trên sao Hỏa. |
Theo tờ Express, một nghiên cứu mang tính bước ngoặt của NASA khi đã phát hiện ra một khối băng khổng lồ bị "khóa" dưới bề mặt Sao Hỏa. Nghiên cứu này xuất phát từ thông tin radar thu được sau khi Tàu thám hiểm sao Hỏa của NASA chuyển về. Các tín hiệu mô tả cho thấy, các tảng băng cổ được chôn sâu dưới bề mặt, tại cực bắc của Sao Hỏa.
Theo báo cáo của NASA, lượng băng phân tầng thành các mỏ rất đáng kể. Nếu khối băng bị tan chảy, nước sẽ tạo thành một hồ bơi rộng khắp hành tinh Đỏ, với mực nước sâu khoảng 150 cm. Một phát hiện cực kì có ý nghĩa và giá trị.
Tiến sĩ Stefano Nerozzi thuộc Viện Vật lý địa cầu (Đại học Texas) -tác giả chính của nghiên cứu mới này cho biết: "Chúng tôi đã rất bất ngờ vì tìm thấy nhiều nước đá ở đây đến như vậy".
Điều này làm tăng khả năng khu vực vừa phát hiện sẽ trở thành hồ chứa nước lớn thứ ba trên sao Hỏa, sau các tảng băng cực được tìm thấy trước đó.
NASA tin rằng, các lớp băng hình thành trên Sao Hỏa trong các thời kỳ băng hà trước đây và được bảo vệ khỏi sự nóng lên của bức xạ mặt trời bằng các lớp cát phủ trên bề mặt của chúng. Nhưng nếu phần lớn nước bị khóa ở hai cực của Sao Hỏa, thì việc có đủ lượng nước ở gần xích đạo sẽ trở nên khó khăn.
Nghiên cứu có ý nghĩa đối với không chỉ sao Hỏa ngày nay, mà cả khí hậu của hành tinh đỏ trong quá khứ. Bởi tất cả các điều kiện này sẽ tạo ra sự sống, giống với sự sống chúng ta biết trên Trái đất.
Đầu năm nay, các nhà thám hiểm của NASA đã tìm thấy các khối xây dựng tiềm năng của sự sống trong một hồ nước cổ đại của Sao Hỏa. Tại đây, các phân tử hữu cơ đã được tìm thấy trong đá với niên đại 3,5 tỷ năm tuổi, trong miệng núi lửa Gale.