Nàng dâu nội trợ, sao nỡ coi khinh?
Chị Vũ Thu Ngân (30 tuổi, sống tại Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết mỗi lần mẹ chồng đến chơi, chị lại phải ra ngoài “lánh nạn”. Sáng 7h chị đóng vai nhân viên nhà nước, xách túi, ôm con ra khỏi nhà, đợi tới 4h chiều mới về. Sở dĩ chị phải giả vờ đi làm với mẹ chồng bởi bà không thích con dâu ở nhà “ăn bám chồng”. Trước đây, chị từng làm văn thư, lương tháng 4 triệu. Sau đó, vì con trai sức khỏe yếu nên chồng động viên chị ở nhà chăm con để anh yên tâm làm kinh tế. Chị nghĩ nếu đi làm lại, tiền lương chỉ đủ trả người giúp việc, chị không an tâm về con, và có ít thời gian chăm sóc chồng nên đồng ý nghỉ việc. Nhưng chị lại vấp phải sự phản ứng từ phía gia đình chồng, nhất là mẹ chồng. Bà thường xuyên bóng gió chị ăn bám, rồi về quê bêu riếu chị với hàng xóm. Mẹ chồng còn gọi điện cho bố mẹ đẻ của chị, than phiền con trai bà quá vất vả. Vì vậy để che mắt mẹ chồng, cứ mỗi lần bà từ quê lên chơi là chị phải giả vờ đi làm để không ảnh hưởng tới hòa khí gia đình.
Ảnh minh họa |
Chị Hoàng Thị Vân (26 tuổi, KĐT Pháp Vân, Hoàng Mai, Hà Nội) cũng chấp nhận nghỉ việc để ở nhà lo nội trợ, chăm sóc con, chị kể rất mệt mỏi vì suốt ngày phải nghe mẹ chồng khen dâu hàng xóm “mới mở được shop bán hàng quần áo”, “mới được công ty thưởng chuyến du lịch Singapore”… “Tôi ở nhà cũng làm việc quần quật từ sáng tới khuya. Lắm lúc tôi phải vừa bế con vừa nấu cơm, vừa quét nhà. Con khóc quấy, ốm đau cũng một mình tôi lo. Người ta đi làm được mặc đẹp, được giao tiếp xã hội, tôi ở nhà thiệt thòi đủ thứ mà còn bị nhà chồng soi mói, chì chiết. Chẳng cứ mẹ chồng mà cả chồng cũng dần xem tôi là người ăn bám” - chị Vân bức xúc.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Vân Anh (Trung tâm tư vấn Linh Tâm) cho rằng, hiện nay, một số người chưa đánh giá đúng vai trò của công việc nội trợ. Công việc tưởng chừng “không tên” này lại bao hàm nhiều nghề khác như: giúp việc, sư phạm, kế toán, điều dưỡng, quan hệ công chúng. Thậm chí nhiều chị em nội trợ còn kiêm cả thợ điện nước, xe ôm,… Nội trợ là công việc không được trả lương nhưng người làm nội trợ lại đóng góp những giá trị kinh tế vô hình. Chắc chắn người chồng không thể nào yên tâm phấn đấu sự nghiệp nếu họ phải phân tán thời gian cho việc nhà, việc cơ quan. Bởi lẽ đó, người nội trợ trong gia đình đáng được ghi nhận và coi trọng. Ở Nhật Bản, xã hội công nhận nội trợ vất vả và đòi hỏi kỹ năng, kiến thức như các nghề khác. Người nội trợ ở Nhật Bản vẫn được đóng thuế trích từ lương của chồng, hưởng đầy đủ các tiêu chuẩn về an sinh xã hội và được nhà nước cấp cho 50% lương hưu của chồng.
Điều 39 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2015 đã quy định nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng. Theo đó, vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập. Với quy định nói trên, dù người vợ chỉ ở nhà nội trợ cũng được xác định là lao động có thu nhập và có quyền bình đẳng trong việc sở hữu tài sản chung của vợ chồng.
Bên cạnh đó, việc chưa được các thành viên trong gia đình đánh giá đúng công sức cũng cho thấy, chị em cần phải giải thích để mọi người hiểu, thay vì tìm cảnh lảng tránh. Chị Vũ Thị Ngân kể, sau mỗi lần “đóng vai người đi làm”, cả hai mẹ con chị đều mệt mỏi vì cả ngày phải “lang thang” khắp nơi. Cuối cùng, chị đã tâm sự với chồng và mong muốn anh sẽ cùng chị giải thích cho mẹ chồng hiểu về hoàn cảnh của hai vợ chồng và lý do chị ở nhà đảm nhiệm công việc nội trợ. Chồng chị đồng ý và đã thưa chuyện với mẹ. Anh kể với bà về những đóng góp của vợ với gia đình, và anh đã rất biết ơn chị đã hy sinh, chấp nhận từ bỏ sự nghiệp riêng, ở nhà nuôi con, lo việc nhà để anh yên tâm công tác. “Vợ con ở nhà cũng rất vất vả. Con khi đi làm còn cơ hội giao lưu, nhưng vợ con suốt ngày chỉ quanh quẩn với bếp núc, chợ búa” - anh tâm sự với mẹ. “Mưa dầm thấm lâu”, dần dần, mẹ anh cũng hiểu và thương con dâu hơn. Không để chị thiệt thòi, hàng năm, anh đều sắp xếp công việc, đưa chị đi thăm thú đây đó để chị được thư giãn, hưởng thụ cuộc sống. Bây giờ, chị Ngân đã thực sự hạnh phúc vì mọi người trong gia đình chị đã hiểu rằng “của chồng, công... chị”.
Thảo Hương/Báo Phụ nữ Thủ đô