Năm Mùi nói chuyện nuôi dê
Sống khỏe nơi đất cằn
Thôn Phước Thuận, xã Đức Phú (Mộ Đức, Quảng Ngãi) được bao quanh bởi nhiều ngọn đồi, núi san sát nhau. Núi Vàng- ngọn núi lớn nhất thôn, từng một thời “đỏ lửa” khi tiều phu từ khắp nơi đổ về đây đốn củi, đốt than nên giờ trọc lóc, trơ ra toàn sỏi đá. Cây cối không nảy nổi chồi, đường lên núi toàn triền dốc dựng đứng, nên từng có thời gian, núi Vàng tưởng như sẽ chỉ còn là ngọn núi “chết”. Nhưng bây giờ, đây lại là “mỏ vàng” của những người dân Đức Phú khi những loại cây bụi gai mọc trên núi trở thành nguồn thức ăn dồi dào cho nghề chăn nuôi dê phát triển.
Niềm vui của người nông dân khi đàn dê không ngừng tăng lên về số lượng. |
Tầm 11 giờ trưa đưa dê lên núi Vàng. Chạng vạng tối thì quay lại để lùa đàn dê hơn 100 con về nhà. 10 năm gắn bó với nghề, anh Nguyễn Quang Vinh, thôn Phước Thuận cho biết: “Nghe dê chỉ ăn lá rừng trên núi, mọi người thường nghĩ đây là công việc vất vả. Nhưng thật ra, đây là nghề khá thong thả. Khi loài dê đặc biệt tinh khôn, chỉ vài lần dẫn đường, là có thể tự lên núi kiếm thức ăn rồi tìm đường về nhà”.
Chính bởi đặc tính dễ nuôi, lại chịu khó leo trèo, tìm kiếm thức ăn ở những nơi có địa hình heo hút, hiểm trở, nên dê trở thành lựa chọn số 1 cho nhà nông ở những miền đất khó. Đặc điểm địa hình núi nhiều đá, nhất là đá ong và đá đen ở khu vực núi Phố Tinh, thôn Phú Long 2, xã Bình Phước (Bình Sơn) tưởng chừng sẽ là rào cản của nghề nông, nhưng lại trở thành lợi thế cho nghề chăn nuôi dê tại địa phương phát triển. Những tán cây dại, họ quýt gai thường mọc nhiều nơi đá, sỏi…trở thành nguồn thức ăn lý tưởng cho loài dê bách thảo nơi đây. Ngay cả loại xương rồng hay mọc tại vùng triền núi ven biển, chỉ cần đốt hết gai thì vẫn có thể tận dụng làm thức ăn cho loại động vật dễ nuôi này. Nuôi dê đến nay vừa tròn 8 năm, ông Lê Văn Lợi, thôn Phú Long 2 thuộc làu đặc tính của loài dê. Với ông, dê không chỉ là loại động vật chịu thương, chịu khó có thể ăn được tất cả các loại lá đắng chát, gai góc như sầu đâu, lá bứa, lá mơ rừng mà còn là loại vật đặc biệt tinh khôn và lanh lẹ.
Đổi đời nhờ nuôi dê
Đồng hành cùng người dân tại vùng đất khó, con dê đã trở thành loài vật nuôi giúp nhiều người có nguồn thu nhập từ 150- 200 triệu đồng mỗi năm. Với người nông dân ở những mảnh đất không lấy gì làm màu mỡ, thì đây là con số đáng mơ ước.
Ông Huỳnh Thanh Vân, xóm Long Bàn, thôn An Lộc, xã Bình Trị (Bình Sơn) sau nhiều năm nuôi bò thất bát vì giá bò hạ dài, đã mạnh dạn bỏ ra gần 5 cây vàng vào thời điểm năm 2007 để mua dê giống. Gom cả gia tài chỉ để mua 5 con dê nhỏ xíu, nằm gọn lỏn trong chiếc giỏ tre nên ai cũng bảo ông Vân “gàn”. Ấy vậy mà cũng nhờ cái tính “gàn” dám nghĩ, dám làm đó nên giờ ông Vân thu về hơn 200 triệu đồng mỗi năm. Với giá mỗi ký dê hơi dao động từ 150-180 nghìn đồng. Dê nuôi sau 6 tháng là có thể đạt trọng lượng 20kg. Hơn nữa, thời gian sinh sản của dê khá ngắn, chỉ 3 tháng 10 ngày. Vì vậy, không chỉ ông Vân, mà rất nhiều nông dân ở nông thôn nhờ nuôi dê mà tích cóp được từ 15-25 triệu đồng mỗi tháng.
Lão nông Đoàn Binh, thôn Phước Thuận, xã Đức Phú, người tiên phong đưa giống dê núi của Bình Thuận về Quảng Ngãi ngay từ năm 1987 và gắn bó với nghề mãi đến nay nhẩm tính: “Có trong tay 3 mẫu ruộng không bằng tậu 5 con dê. Bởi chỉ cần một năm, đàn dê có thể phát triển lên 20 con và cứ thế tăng dần”. Ngày ông Binh mới mang cặp dê trắng từ Bình Thuận về, người dân thôn Phước Thuận ngỡ đây chỉ là loại vật nuôi làm cảnh. Sau, thấy ông Binh nhờ vào đó mà cuộc sống trở nên sung túc, đủ đầy, người dân Phước Thuận liền học hỏi, làm theo và nhiều người đã đổi đời nhờ vào loài vật biết chịu đựng khổ cực này…
Theo ĐÔNG YÊN/ Quảng Ngãi online