Nấm ký sinh làm bụng ve sầu nổ tung để phát tán bào tử
Các nhà khoa học ở Đại học Connecticut, Mỹ, tìm hiểu chi tiết cách nấm Massospora cicadina lây nhiễm trên nhiều con ve sầu, trước khi thao túng hành vi của chúng và làm bụng chúng phát nổ, khiến ve sầu bị khống chế giao phối dù mất cơ quan sinh dục, theo Science Alert. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Scientific Reports hôm 22/1/2018.
Bào tử nấm màu trắng trên xác ve sầu bị nổ bụng. (Ảnh: Science Alert). |
Nấm M. cicadina trở nên nổi tiếng vì xâm chiếm khoang bụng của ve sầu và làm nổ bụng vật chủ để phân tán bào tử. Kết quả là ve sầu bị mất gần một nửa cơ thể từ thắt lưng trở xuống. Bản mô tả khoa học đầu tiên về loài nấm này được xuất bản năm 1879. "Đó là một câu chuyện thú vị đối với chúng tôi, nhưng không mấy vui vẻ với ve sầu", trưởng nhóm nghiên cứu John Cooley cho biết.
Khi kén ve sầu chuẩn bị nhô lên sau khi trải qua 17 năm để trưởng thành dưới lòng đất, những bào tử ngủ yên dính vào lớp vỏ ngoài của ve sầu bị đánh thức bởi các hợp chất trên cơ thể vật chủ, báo hiệu đã đến lúc lây nhiễm và sinh sôi. Khoảng 2-5% ve sầu ở Mỹ bị lây nhiễm trong nhiễm nấm giai đoạn thứ nhất, nhưng mục đích của nấm M. cicadina không chỉ là lan rộng.
Nấm M. cicadina cũng cư trú trong bụng ve sầu, ảnh hưởng đến cả con đực và con cái. Nhưng con đực bắt đầu hành động lạ từ khá sớm. Ngoài hành vi giao phối thông thường, chúng đập cánh theo cách giống con cái. Nhờ đó, chúng có thể truyền nấm qua đường tình dục. Con cái nhiễm ký sinh cũng truyền nấm cho con đực chưa nhiễm nấm muốn giao phối với chúng.
Bào tử dần lấp đầy bụng của ve sầu nhiễm nấm cho tới khi căng cứng và nổ tung. Kết quả là cơ quan sinh dục của ve sầu mất đi nhưng chúng vẫn cảm thấy thôi thúc muốn giao phối. Ve sầu bị lây nhiễm từ đồng loại được gọi là nhiễm nấm giai đoạn thứ hai và chúng cũng tuân theo chu kỳ truyền nhiễm tương tự.