Nam Định đạt được nhiều kết quả trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm
Trong 2 năm thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, toàn tỉnh Nam Định đã có 146 sản phẩm OCOP, trong đó có 28 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 118 sản phẩm hạng 3 sao.
Mặc dù mới triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) được 2 năm, song tỉnh Nam Định đã đạt nhiều kết quả đáng chú ý.
Số liệu từ Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Nam Định cho thấy, toàn tỉnh đã có 146 sản phẩm OCOP, trong đó có 28 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 118 sản phẩm hạng 3 sao. Riêng trong năm 2020, qua 2 đợt bình xét, đánh giá, phân hạng, toàn tỉnh đã có 110 sản phẩm được công nhận đạt sản phẩm OCOP hạng 3 và 4 sao, trong đó có 11 sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao.
Trong 2 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, toàn tỉnh Nam Định đã có 146 sản phẩm OCOP. |
Các chủ thể sản phẩm OCOP hiện có 80 đơn vị, trong đó có 35 doanh nghiệp (chiếm 4%); 18 HTX (chiếm 23%) và 27 hộ sản xuất, kinh doanh (chiếm 33%). Về các nhóm sản phẩm OCOP có 135 sản phẩm thuộc ngành thực phẩm, đồ uống; 2 sản phẩm thuộc ngành thủ công mỹ nghệ; 2 sản phẩm thuộc ngành du lịch nông thôn…
Để đạt được kết quả đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về triển khai thực hiện đề án Chương trình OCOP tỉnh Nam Định và hàng chục văn bản chỉ đạo, đôn đốc; quy định mức chi hỗ trợ triển khai thực hiện Chương trình OCOP tỉnh năm 2020. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể; các huyện, thành phố đã tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh và các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm làng nghề truyền thống của mình để cải tiến, nâng cấp chất lượng theo tiêu chí OCOP.
UBND các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn; thành lập, kiện toàn Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ dân triển khai thực hiện, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ triển khai thực hiện chương trình một cách hiệu quả.
Tiêu biểu như huyện Ý Yên xây dựng cơ chế hỗ trợ 10 triệu đồng cho mỗi sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP, hỗ trợ tối đa 30 triệu đồng cho một cơ sở có sản phẩm đạt chuẩn OCOP; huyện Hải Hậu hỗ trợ kinh phí để xây dựng video quảng bá cho sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện tốt các nội dung Chương trình OCOP theo kế hoạch đề ra. Nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức trong triển khai thực hiện chương trình OCOP, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức 3 hội nghị chuyên đề, mời các cố vấn, chuyên gia Chương trình OCOP Trung ương về tư vấn, giới thiệu, đánh giá, quán triệt tầm quan trọng của Chương trình OCOP đối với sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn, nông dân nói chung và xây dựng NTM nói riêng cho lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn.
Năm 2020, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, hướng dẫn cho 80 chủ thể sản phẩm OCOP cải tiến hoàn thiện trên 100 sản phẩm và nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thành phố hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất tập trung cải tiến, hoàn thiện về tạo mã Qrcode, in nhãn mác, thiết kế bao bì sản phẩm, xây dựng câu chuyện sản phẩm, xác lập quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng website bán sản phẩm OCOP trực tuyến và khuyến khích phát triển các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại các huyện, thành phố…
Nam Định đã rút ra một số bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chương trình OCOP như đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm thay đổi nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân để có sự chủ động, tích cực tham gia, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ, chủ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, hộ dân tham gia chương trình nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng xây dựng sản phẩm. Thành lập nhóm Zalo để cung cấp thông tin nhanh, kịp thời cũng như giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai xây dựng sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, phát huy tốt vai trò của các chuỗi liên kết, doanh nghiệp và Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định trong việc thúc đẩy tiêu thụ nông sản nói chung và sản phẩm OCOP. Đặc biệt, tỉnh cũng xác định rõ 3 đối tượng chủ thể để phát triển sản phẩm OCOP, bao gồm: Hộ cá thể tập trung vào sản phẩm đặc sản của vùng, miền; các HTX, tổ hợp tác tập trung vào nhóm sản phẩm liên quan đến đông đảo người dân và các doanh nghiệp tập trung vào nhóm sản phẩm phát triển theo liên kết chuỗi... Trên cơ sở đó ngành chức năng sẽ nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả nhằm phát huy thế mạnh của các chủ thể sản phẩm OCOP để thúc đẩy Chương trình OCOP phát triển nhanh, bền vững.
Từ kết quả này, năm 2021, tỉnh Nam Định đề ra mục tiêu phấn đấu có ít nhất 60 sản phẩm được đánh giá, phân hạng đạt từ 3 sao trở lên.
Thảo Nguyên