Năm 2019 khởi động DA sân bay Long Thành, rót 6.000 tỷ nâng cấp cảng hàng không
Năm 2019 khởi công sân bay Long Thành, đầu tư 6.000 tỷ nâng cấp cảng hàng không |
Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông ACV năm 2017 được tổ chức sáng 28/6, đại hội chính thức bầu ông Lại Xuân Thanh (Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam) giữ ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thay cho ông Nguyễn Nguyên Hùng nghỉ hưu theo chế độ. Bên cạnh đó, các cổ đông ACV cũng thông qua một số kế hoạch đầu tư phát triển doanh nghiệp.
Đầu tư 6.000 tỷ đồng nâng cấp cảng hàng không
Đặc biệt, phát biểu tại đại hội đồng cổ đông ACV, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ chia sẻ, dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng tối thiểu đến cuối năm 2017. Năm 2019 khởi động dự án và đến năm 2025 đi vào hoạt động. Đối với dự án này, phía ACV cho hay đã hoàn thiện và sẽ phê duyệt đề cương, dự toán để chuẩn bị cho công tác đấu thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án để dự án có thể khởi công theo tiến độ.
Cũng trong năm 2017, ACV cho biết sẽ thực hiện đầu tư 6.000 tỷ đồng vào các cảng sân bay, tăng 33% so với năm 2016.
Cụ thể, các sân bay trọng điểm như Tân Sơn Nhất sẽ nhận được đầu tư 2.000 tỷ đồng để mở rộng ga quốc tế và bãi đỗ sân bay. Sân bay Phú Quốc được đầu tư 2.000 tỷ đồng nhắm nâng cấp lên công suất dự kiến 5 triệu khách/năm. Sân bay Nội Bài cũng sẽ được cấp 1.200 tỷ đồng sửa ga T1 và nâng cấp bãi đỗ. Sân bay Đà Nẵng với nhiệm vụ quan trọng là nâng cấp phục vụ sự kiện APEC sẽ được đầu tư 500 tỷ đồng.
Khi được hỏi về phương án huy động nguồn vốn 6.000 tỷ đồng cho đầu tư này, lãnh đạo ACV cho biết cơ bản về các dự án đầu tư nâng cấp sửa chữa cảng hàng không, công ty sẽ tận dụng nguồn vốn phát triển hợp lý. Còn đối với các dự án quan trọng sẽ cân nhắc huy động vốn khi thấy cần thiết. Đại diện ACV chia sẻ, các dự án đầu tư của công ty có thời gian hoàn vốn lâu khi triển khai dự án đều đã phân tích hiệu quả đầu tư.
Sẽ thoái vốn nhà nước còn 75%, chưa đủ điều kiện lên sàn HOSE
Đại hội cũng thông qua chỉ tiêu tổng doanh thu mục tiêu năm 2017 là 13.293 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2016. Lợi nhuận trước thuế 3.669 tỷ đồng, tăng 7% và dự kiến trả cổ tức 9% trong niên độ 2017. Dự kiến chi phí trong năm 2017 gần v10.000 tỷ đồng, chủ yếu chi vào các hoạt động sửa chữa tài sản. Tuy nhiên, kế hoạch tài chính này chưa tính đến ảnh hưởng của chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ mà chủ yếu là khoản nợ vay ODA bằng đồng Yên Nhật.
Tại đại hội, ACV cho biết, trong nửa đầu năm 2017 ước tính doanh thu của đã loại trừ khu bay của Tổng công ty đạt 7.286 tỷ, tương đương 55% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.298 tỷ đồng, đạt 63% kế hoạch. ACV đã tạm nộp thuế 552 tỷ đồng chiếm 49%.
Tổng công ty cảng hàng không ACV chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ 1/4/2016. Hiện tại nhà nước vẫn nắm giữ 95,4% cổ phần ACV, các cổ đông khác nắm sở hữu 4,6%. Trả lời câu hỏi về việc thoái vốn tại ACV giai đoạn tới, lãnh đạo ACV cho biết chủ trương là thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty xuống dưới 75%. Tuy nhiên, việc đàm phán với nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn Aeroport de Paris (ADP - Pháp) chưa đạt được thỏa thuận. Theo đại diện ACV đàm phán qua 15 phiên đến nay theo quy định 31/3/2017 đã hết thời gian đàm phán theo quy định. ACV đã báo cáo với Bộ Giao thông và Chính phủ là hai bên chưa nhất trí được phương án cuối cùng theo phương án Bộ Giao thông phê duyệt.
Ngoài ra, về kế hoạch niêm yết cổ phiếu lên sàn HOSE vào cuối năm 2017, đại diện ACV cũng thẳng thắn thừa nhận chưa đủ điều kiện. Bởi hiện nay, trong cơ chế hoạt động và phương án cổ phần của công ty thì khu bay vẫn đang thuộc cơ chế quản lý nhà nước. Kiểm toán cũng đang kiến nghị Nhà nước và cơ quan có thẩm quyết nhanh chóng có quyết định nhanh chóng về quản lý khu bay. Lãnh đạo ACV khẳng định khi đã hoàn thành và đầy đủ điều kiện, nhanh chóng thông báo với cổ đông và lên sàn sớm nhất.