Năm 2012, xuất khẩu sẽ đạt hơn 108 tỷ USD
Năm 2012, xuất khẩu sẽ đạt hơn 108 tỷ USD
Dệt may vẫn kỳ vọng là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong năm 2012 |
Theo báo cáo của Bộ Công thương, năm 2011 ước tính kim ngạch xuất khẩu cả năm 2011 đạt 96,3 tỷ tăng hơn 33% so với năm 2010, vượt chỉ tiêu đề ra (tăng 10%), xấp xỉ ngưỡng 100 tỷ USD. Cùng với đó, tốc độ nhập siêu đã giảm cả về kim ngạch tuyệt đối và tỷ lệ, ước tính là 9,52 tỷ USD, bằng 9,89% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn so với mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra.
Như vậy, sau 5 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhập siêu năm 2011 đã hạn chế từ mức trên 33% xuống 9,98%, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô. Để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2012 khoảng 6,0-6,5%, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, toàn ngành sẽ phấn đấu để giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13%, giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp tăng khoảng 7,5% so năm 2011; xuất khẩu tăng 13% so với năm 2011 và đạt kim ngạch khoảng 108,8 tỷ USD…
Bộ trưởng Hoàng nhấn mạnh, thời gian tới, Bộ sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, phát triển ngành công nghiệp và xây dựng theo hướng nâng cao chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, có nhiều sản phẩm xuất khẩu. Chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, công nghệ cao, công nghiệp cơ khí trọng điểm. Áp dụng công nghệ tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu và năng lượng. Đồng thời với đó là tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản…
Riêng đối với xuất nhập khẩu, mặc dù mục tiêu xuất khẩu 2012 sẽ tăng 13% so với năm 2011 và đạt kim ngạch khoảng 108,8 tỷ USD. Trong đó, nhóm hàng xuất khẩu chủ lực là nông, lâm thủy sản năm 2012 dự báo sẽ đối diện với nhiều khó khăn về giá xuất khẩu khó có thể tăng cao do đã ở mức cao trong năm 2011. Cùng với đó, lượng xuất khẩu cũng không thể tăng cao do hạn chế về diện tích canh tác và sản lượng. Dự kiến xuất khẩu nhóm hàng này trong năm 2012 đạt kim ngạch 20,2 tỷ USD, tăng 2,6% so với năm 2011 và chiếm tỷ trọng 18,6% (tỷ trọng giảm 1,9% so với năm 2011).
Trong nhóm hàng công nghiệp chế biến, dệt may vẫn kỳ vọng là mặt hàng đem lại kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cho ngành, khi năm 2011 xuất khẩu mặt hàng này "cán đích" 15,6 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ. Dự kiến năm 2012, xuất khẩu dệt may sẽ đạt kim ngạch khoảng 16,5 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng 19% so với năm 2011.
Song, các dự báo cũng cho thấy, yêu cầu nhập khẩu sẽ khoảng 121,8 tỷ USD, tăng 15,2% so với năm 2011. Như vậy, nhập siêu khoảng 13 tỷ USD, bằng khoảng 12% tổng kim ngạch xuất khẩu. “Tuy nhiên, quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, ngành Công Thương phấn đấu tỷ lệ nhập siêu không cao hơn năm 2011 tức là khoảng 10%” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết.
Bên cạnh đó, Bộ cũng cần rà soát cơ cấu đầu tư, tiếp tục nghiên cứu những chính sách khuyến khích hơn nữa việc đầu tư sản xuất hàng hóa xuất khẩu và hàng hóa thay thế nhập khẩu; hạn chế đầu tư vào khu vực phi sản xuất; đôn đốc các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, công ty nhà nước đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào hoạt động các công trình, dự án sản xuất hàng thay thế nhập khẩu.
Tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu, nhất là là các dự án sử dụng vốn có nguồn gốc ngân sách. Xây dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế để hạn chế nhập khẩu các hàng hóa kém chất lượng, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân.
Trường Giang