Năm 2012, chợ OTC bị quên lãng
Trang thông tin sanotc.com.vn đăng tin rao mua bán các cổ phiếu chưa niêm yết sôi động một thời, nhưng nay dường như đã bị quên lãng vì không mấy ai muốn mua cổ phiếu trên thị trường tự do (OTC). Chợ OTC tại TP. HCM giờ cũng chỉ còn lại một vài nơi có thể bám trụ được.
Môi giới tự do giờ chỉ còn lại dăm bảy người, so với cả trăm môi giới trước kia |
Chị H, một người môi giới tự do cho biết, chợ OTC vẫn họp ở sàn giao dịch của công ty chứng khoán Bản Việt, nhưng môi giới tự do chỉ còn lại dăm bảy người so với cả trăm môi giới trước kia. Phóng viên cũng đã thử liên hệ vào số điện thoại của một vài nơi môi giới chuyên nghiệp cách đây 1 năm, nhưng không có hồi đáp, số điện thoại giao dịch đã không còn sử dụng. Có lẽ, thay vì bám chợ OTC để kiếm bạc triệu mỗi ngày như trước thì họ đã chuyển nghề.
“Thị trường vẫn có giao dịch, chủ yếu là các cổ phiếu ngân hàng như ngân hàng Đông Á có cổ tức ổn định, ngân hàng Nam Á, hay ngân hàng Đại Á có lúc xuống giá chỉ hơn 2.000 đồng/cổ phiếu . Nhưng một số cổ phiếu ngành khác như ô tô Trường Hải, Xây dựng số 8 và nhất là cổ phiếu của Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (MSFC) lại rất được quan tâm. Cổ phiếu này đem lại khoản lợi nhuận còn cao hơn cả VNM trên sàn niêm yết, vì mỗi năm mấy doanh ngh đó đều chia thưởng 1:1, cứ chia xong giá cổ phiếu lại tăng vọt, cũng chỉ có ít người bán”, chi H nói.
Trên sanotc.com.vn, các tin rao mua MSFC khá nhiều, với khối lượng khác nhau giá từ 81 đến 85.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn mức giá cách đây một tháng khoảng 10 giá. Nhóm ngân hàng thị giá nhỏ được quan tâm nhiều nhất là Ngân hàng Bảo Việt, loanh quanh mức giá 5.500 đồng/cổ phiếu; Ngân hàng TienPhongbank quanh giá 4.500 đồng/cổ phiếu; Ngân hàng Hàng hải cũng chỉ quanh giá 5.000 - 8.000 đồng/cổ phiếu…
Trong các cổ phiếu được chào mua giá cao hơn mệnh giá, có Cadivi giá 17.000 đồng/cổ phiếu. Công ty này vừa mua lại nhà xưởng thiết bị máy móc của một công ty khác cũng trong ngành sản xuất cáp để mở rộng sản xuất. Sabeco vẫn được chào bán ở giá 50.000 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, các nơi môi giới cổ phiếu vẫn rao mua bán mỗi ngày như vậy, nhưng khả năng khớp lệnh thành công rất thấp. Nếu hỏi bán thì câu trả lời thường là phải đợi tìm người mua, còn nếu hỏi mua thì sẽ được các môi giới chăm sóc rất nhiệt tình.
Khi thị trường cổ phiếu tự do gần như mất thanh khoản thì bản tin của các công ty chứng khoán từ những công ty thị phần lớn như SSI, HSC cho đến các công ty tầm trung như Bản Việt, Rồng Việt, VNDS… gần như không còn được cập nhật thông tin. Điều đó cho thấy, thị trường cổ phiếu tự do đang dần bị mất vị thế, thậm chí bị rơi vào quên lãng.
Các khoản đầu tư vào cổ phiếu chưa niêm yết của hàng trăm nghìn nhà đầu tư, các tổ chức đầu tư gần như mất đứt giá trị, nhất là cổ phiếu của công ty không có tên tuổi, do không có khả năng thanh khoản. Cả thị trường lắng xuống dần theo thời gian, nhiều nhà đầu tư đã trót ôm cổ phiếu OTC cũng đành đưa chúng vào ngăn tủ, việc nhận cổ tức hàng năm chỉ như một sự an ủi. Với các tổ chức đầu tư, nếu không may “ôm” đống OTC quá lớn, sẽ phải chịu gánh nặng không nhỏ mỗi lần lập báo cáo tài chính.
Một mặt, do không có đủ thông tin giá trị thị trường để tính khoản trích lập dự phòng giảm giá, mặt khác, dù có muốn cũng gần như không thể thanh hoán “đống” tài sản này. Sự đóng băng trên thị trường cổ phiếu tự do cũng nghiêm trọng không kém gì các thị trường khác như bất động sản. Mặc dù không có thống kê nào bao quát hết được cả thị trường tự do, nhưng chắc chắn, giá trị tài sản bốc hơi ở thị trường này năm 2012 không phải là nhỏ. Chỉ có điều thiệt hại này nằm phân tán ở nhiều cá nhân, tổ chức nên không nhìn thấy hậu quả nghiêm trọng trên diện rộng.
Câu hỏi đặt ra ở đây là thị trường cổ phiếu chưa niêm yết có bị cơ quan quản lý lãng quên? Với tình hình thị trường chứng khoán như hiện nay, hầu hết các công ty đại chúng đều ngại niêm yết, trong khi chỉ có niêm yết mới mở ra cánh cửa thanh khoản hợp pháp cho cổ phiếu. Đối với công ty đại chúng chưa đủ điều kiện niêm yết, làm thế nào để thúc đẩy sự minh bạch? Những câu hỏi trên vẫn chưa có câu trả lời, và dường như quá trình cổ phần hóa, đại chúng hóa doanh nghiệp phát triển một thời, nay bị đình trệ hẳn và những gì đã làm được cũng không thấy hiệu quả như kỳ vọng.
Theo Đầu tư Chứng khoán