Nà Mạ - quê hương anh Kim Đồng: địa chỉ du lịch hấp dẫn
Cao Bằng không chỉ nổi tiếng Khu di tích Quốc gia Pác Bó mà quê hương anh Kim Đồng (làng Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng) cũng là một địa danh lịch sử du khách không nên bỏ qua
Lối vào khu di tích lịch sử Kim Đồng |
Đây được xem như là "địa chỉ đỏ" của thiếu nhi cả nước và là điểm tham quan thu hút khách du lịch.
Làng Nà Mạ cách trung tâm thành phố Cao Bằng khoảng 50km về phía Bắc theo tỉnh lộ 203, trên trục đường hướng về Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó. Đây là làng văn hóa kiểu mẫu trong công cuộc xây dựng nông thôn mới của xã Trường Hà.
Nằm giữa hai ngọn núi cao, thung lũng Nà Mạ bằng phẳng chạy dọc theo tỉnh lộ. Cảnh quan nơi đây xanh tươi, không khí trong lành, mát mẻ bởi có dòng suối Lê Nin hiền hòa uốn lượn theo chân những dãy núi. Cùng với đó là ý thức của người dân trong việc giữ gìn cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
Không chỉ được biết đến là quê hương cách mạng với Khu di tích lịch sử Kim Đồng, làng Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng còn nổi tiếng với nghề thủ công làm hương thảo mộc và làm giấy dó truyền thống.
Nà Mạ có Khu di tích lịch sử Kim Đồng là nơi tưởng nhớ anh hùng liệt sĩ Kim Đồng, người đội trưởng đầu tiên của Đội Nhi đồng cứu quốc. Khuôn viên Khu di tích rộng rãi với nhiều công trình được đầu tư như: mộ và tượng đài anh Kim Đồng; đền thờ Đội Nhi đồng cứu quốc, cọn nước, vườn hoa…
Nằm trong Khu di tích còn có hai địa điểm là hang Nộc Én - nơi Kim Đồng đã được Bác giao nhiệm vụ thông tin liên lạc, bảo vệ cách mạng vào tháng 8 năm 1942 và Pò Đoi - Thoong Mạ - nơi thành lập Đội Nhi đồng cứu quốc vào ngày 15/5/1941 do Kim Đồng làm Đội trưởng. Cả hai địa điểm này đã được quy hoạch và có biển chỉ dẫn cho du khách.
Bên cạnh đó, công trình Nhà sàn Kim Đồng hiện đang được khởi công xây dựng, sau khi hoàn thành sẽ tạo thêm điểm nhấn cho Khu di tích.
Ngoài ra, vùng đất Nà Mạ còn được biết đến bởi có hai nghề thủ công truyền thống: nghề làm hương thảo mộc và nghề làm giấy dó. Từ những nguyên liệu tự nhiên và phương pháp truyền thống, người dân Nà Mạ vẫn ngày đêm giữ nghề của cha ông truyền lại. Du khách đến đây sẽ được trải nghiệm cùng người dân làm ra những que hương, những tờ giấy dó truyền thống.
Đáng lưu ý, với địa hình bằng phẳng và đất đai màu mỡ, nơi đây thích hợp trồng nhiều loại cây ăn quả và cây mía vàng hay các loại quả theo mùa như: na, mận, bưởi… được người dân trồng luôn sai trĩu cành mang hương vị thơm ngon đặc biệt.
Hiện, trên quê hương Kim Đồng đã bắt đầu có nhiều loại hình dịch vụ được đầu tư để phục vụ du khách. Tại Khu di tích lịch sử Kim Đồng, nhiều gian hàng của người dân được mở bày bán các loại đồ lưu niệm, nông sản, nước giải khát phục vụ khách tham quan.
Kim Đồng được gặp Già Thu (Bác Hồ) tại hang Nộc Én (Nà Mạ) và được Người giao nhiệm vụ làm giao liên, bảo vệ cách mạng. Sáng ngày 15/2/1943, trong lúc đang làm nhiệm vụ canh gác cuộc họp của ban Việt Minh, khi phát hiện giặc lùng sục đến gần, Kim Đồng đã nhanh trí đánh lạc hướng để bảo vệ cán bộ cách mạng. Địch nổ súng, Kim Đồng bị trúng đạn và đã hy sinh, khi vừa tròn 14 tuổi.
Để tưởng nhớ công lao của vị anh hùng nhỏ tuổi, Trung ương Đoàn đã phát động phong trào "Kế hoạch nhỏ" trong thanh thiếu nhi cả nước để xây dựng Khu di tích lịch sử Kim Đồng. Khu di tích được xây dựng vào năm 1985 và được khánh thành vào ngày 15/5/1986 nhân dịp kỷ niệm 45 năm Này thành lập Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh. Kim Đồng được Đảng và nhà nước phong tặng Anh hùng liệt sỹ năm 1997.
Hằng năm Khu di tích đón hàng nghìn du khách, đoàn viên, thanh thiếu niên trong cả nước đến thăm và tổ chức các hoạt động về nguồn, giáo dục truyền thống. Năm 2012, Khu di tích lịch sử Kim Đồng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia. Khu di tích Kim Ðồng cùng Nhà bia tưởng niệm nơi thành lập Ðội Nhi đồng cứu quốc, tiền thân của Ðội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh nằm trong quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó; được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2012. Hiện nay, khu di tích mới được mở rộng với diện tích 12 ha, chia làm hai khu: khu A 7 ha, khu B 5 ha với các hạng mục như nâng cấp, tôn tạo khu mộ anh Kim Đồng và mộ mẹ anh Kim Đồng, xây dựng mới các hạng mục nhà trưng bày, khối quảng trường, nhà tưởng niệm, nhóm tượng các anh hùng tuổi thiếu niên, khu thành lập Đội, nhà sàn Kim Đồng, bãi đỗ xe…Với quy mô ngày càng được mở rộng và tôn lên những nét đẹp về văn hóa, ý nghĩa, giá trị lịch sử.
Khu di tích lịch sử Kim Đồng đã và đang là nơi được nhiều đơn vị tổ chức các hoạt động về nguồn, các buổi ngoại khóa, cắm trại, các buổi lễ kết nạp đội viên mới trước tượng đài anh hùng liệt sĩ Kim Đồng. Từ những hoạt động có ý nghĩa đó, giúp cho thiếu nhi có những tư tưởng nhận thức đúng đắn, có mục tiêu phấn đấu trong học tập, rèn luyện, không ngừng tăng cường giáo dục đạo đức, truyền thống, văn hóa, lối sống, ý thức pháp luật, bồi đắp lý tưởng, ước mơ, hoài bão, niềm tin giúp các em hoàn thiện nhân cách, trở thành những con người hoàn thiện về “Đức - Trí - Thể - Mỹ”, trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, Cháu ngoan Bác Hồ.
H. Anh