Mỹ thử nghiệm thành công bom bay siêu thanh
Mỹ thử nghiệm thành công bom bay siêu thanh
Trên thực tế, các loại tên lửa đạn đạo với tầm bắn siêu xa đã được phát triển thành công cách đây trên nửa thế kỷ và chúng có thể bắn tới hầu hết các mục tiêu trên khắp thế giới trong vòng khoảng 1 tiếng đồng hồ (thậm chí còn ít hơn).
Nhưng hôm thứ Năm (17/11) vừa qua, quân đội Mỹ cho biết họ vừa thử nghiệm thành công loại bom mới có thể đạt tới tốc độ siêu thanh tương đương với tốc độ của tên lửa đạn đạo và đặc biệt hơn nữa là loại bom này có thể điều khiển hướng bay trong quá trình nhắm đến mục tiêu.
Lầu Năm Góc đã quyết định giữ bí mật các thông số chi tiết về tầm bắn hay tốc độ bay của loại vũ khí mới này nhưng trong lần thử nghiệm vừa qua, một quả bom bay siêu thanh (được đặt tên là Advanced Hypersonic Weapon – AHW: Vũ khí siêu thanh tiên tiến) được phóng đi từ Hawaii đến mục tiêu ở Kwajalein Atoll (khoảng cách 2.500 dặm hay 4.000 km) trong khoảng nửa giờ đồng hồ.
“Siêu thanh” là mốc tốc độ được xác định ở mức nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh (768 dặm/h hay khoảng 1.229 km/h). Nếu đây là thông tin chính xác, loại bom mới này của quân đội Mỹ có vận tốc bay ít nhất khoảng 3.800 dặm/h (hơn 6.000 km/h) và nó có khả năng tấn công bất kỳ mục tiêu nào trên khắp thế giới trong vòng khoảng 3 tiếng đồng hồ (hay ít hơn).
Quả bom này có thể đổi hướng bay, vận tốc lên tới hơn 6.000 km/h và có thế tấn công bất kỳ mục tiêu nào trên thế giới trong khoảng 3 giờ đồng hồ. |
AHW là một phần trong chương trình có tên Prompt Global Strike với mục tiêu phát triển các loại vũ khí có khả năng tấn công bất kỳ mục tiêu nào trên thế giới trong vòng dưới 1 giờ đồng hồ.
Báo cáo của Cơ quan nghiên cứu thuộc Quốc hội Mỹ cho biết đã có khoảng 240 triệu USD được rót vào chương trình này.
Theo thông cáo của Bộ Quốc phòng, cuộc thử nghiệm vừa qua chủ yếu nhằm mục đích thu thập các số liệu về khí động lực, khả năng định hướng, dẫn đường, điều khiển và công nghệ chống lại sự tăng nhiệt trong quá trình bay.
Quả bom này bao gồm một động cơ bay, một quả tên lửa 3 tầng cho phép đưa nó lên độ cao của tầng khí quyển. Khác với cơ chế bay của các loại tên lửa đạn đạo, quả bom này không bay theo quỹ đạo cầu vồng (parabol) một cách cố định mà nhờ có động cơ, nó có thể bay và điều chỉnh hướng di chuyển.
Bên cạnh đó, đây không phải là lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Mỹ thử nghiệm động cơ siêu thanh gắn trên vũ khí. Hồi tháng 8 vừa qua, Lầu Năm Góc cũng đã phóng thử một cơ cấu bay siêu thanh, được phóng đi từ một quả tên lửa từ căn cứ không quân Vandenberg với khoảng cách mục tiêu vào khoảng 4.000 dặm.
Cuộc thử nghiệm đó đã thất bại và cơ cấu bay đã mất tích nhưng số liệu mà nó mang lại đã giúp cho Lầu Năm Góc thử nghiệm thành công quả bom bay này.
Trần Du Phong