Mỹ rút khỏi UNESCO, Trung Quốc “vớ bẫm”
Người đứng đầu UNESCO, bà Irina Bokova đã bày tỏ sự đáng tiếc trước việc Mỹ rút khỏi tổ chức này và nhấn mạnh “UNESCO chưa bao giờ là điều quan trọng với Mỹ và Mỹ cũng chưa bao giờ là điều quan trọng với UNESCO”.
Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) khóa 72, ông Miroslav Lajcak cũng đưa ra lời cảnh báo về việc quyết định rút khỏi UNESCO của Mỹ có thể tạo ra những “tác động tiêu cực” tới hoạt động của tổ chức này. Ngoài ra, Nga, Pháp và Đức cũng bày tỏ mối quan ngại trước động thái của Mỹ.
Nhà lãnhđạo Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại trụở củaUNESCOở Paris hồi năm 2014. |
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận Bắc Kinh sẽ vẫn tiếp tục tham gia tích cực vào hoạt động của UNESCO chứ không đưa ra quyết định từ bỏ như Mỹ.
“Mục tiêu của UNESCO là thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và văn hóa, hiểu biết về nền văn minh thế giới cũng như bảo vệ hòa bình quốc tế. Trung Quốc hy vọng tất cả các nước sẽ tiếp tục tham gia vào lĩnh vực này. Chúng tôi sẽ chủ động tham gia vào công việc của UNESCO cũng như hỗ trợ tổ chức này”, Sputnik dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh phát biểu trong buổi họp báo hôm 13/10.
Theo Sputnik, tuyên bố của bà Hoa cho thấy, Bắc Kinh sẽ tận dụng cơ hội Mỹ từ bỏ UNESCO để củng cố và tăng thêm vị thế ngoại giao trên trường quốc tế. Song đáng nói là đúng ngày Mỹ tuyên bố rút khỏi UNESCO thì nhà ngoại giao Trung Quốc, Tiến sĩ Qian Tang, người được xem là ứng cử viên sáng giá cho chiếc ghế người đứng đầu UNESCO sau khi bà Bokova kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 11 tới, đã chính thức quyết định rời khỏi cuộc đua tranh ghế. Điều này đồng nghĩa với việc các ứng cử viên Moushira Khattab của Ai Cập , Hamad al-Kawari của Qatar và Audrey Azoulay của Pháp sẽ tiếp tục tham gia tranh cử chiếc ghế người đứng đầu UNESCO.
Giới quan sát nhận định, trong bối cảnh dưới thời lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump, Mỹ đang rút dần tên ra khỏi các hiệp ước và tổ chức quốc tế bao gồm các hiệp ước được ký kết dưới thời Tổng thống Barack Obama, Trung Quốc sẽ tận dụng cơ hội sử dụng quyền lực mềm để gia tăng tầm ảnh hưởng quốc tế đồng thời thúc đẩy sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự.
Kể cả trong bài phỏng vấn hồi tuần trước với tạp chí Foreign Policy, Tiến sĩ Qian cũng đã nhấn mạnh: “Trung Quốc muốn hoàn thành trách nhiệm của mình với thế giới và đóng góp vào nền hòa bình, phát triển ở tầm quốc tế trong đó UNESCO là nền tảng tốt để Trung Quốc thực hiện mong muốn”.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng có nhiều đại diện giữ những vị trí cấp cao trong các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới , Interpol, Tổ chức Phát triển Công nghiệp của LHQ, Tổ chức Hàng không dân sự quốc tế và Liên minh Viễn thông quốc tế.
Bên cạnh đó, so với các nước thành viên khác thuộc Hội đồng Bảo an LHQ, Trung Quốc hiện là nước đóng góp quân số tham gia các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình đông nhất. Cụ thể, trong năm 2016, Trung Quốc đã đóng góp 2.600 binh sĩ.
Trong khi đó, giới quan sát Nga nhận định quyết định rút khỏi UNESCO của Mỹ là dấu hiệu của một vấn đề lớn đó là Mỹ muốn giảm tầm ảnh hưởng trên thế giới.
Thượng nghị sĩ Nga Alexei Pushkov đưa ra lời bình luận sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi UNESCO rằng: “Bằng cách dời khỏi UNESCO, Mỹ đang chọn con đường tự cô lập mình. Đây là phản ứng của Mỹ trong chiến lược giảm tầm ảnh hưởng trên thế giới. Nhưng dời khỏi UNESCO, Mỹ sẽ chỉ làm xấu thêm hình ảnh của mình”.
Ông Pushkov nhấn mạnh, không có lý do nào giải thích chính xác hơn cho quyết định dời khỏi UNESCO là việc Mỹ không chi trả cho UNESCO kể từ năm 2011. Nghiêm trọng hơn, quyết định dời khỏi UNESCO còn cho thấy mối quan hệ giữa Mỹ và LHQ đang bị sứt mẻ.
Giáo sư Sergei Sudakov tại Viện Các mối quan hệ quốc tế Moscow cũng có chung nhận định khi cho rằng, ông Trump đã nhiều lần có những tuyên bố ám chỉ Mỹ sẽ dừng tài trợ tài chính cho LHQ. Quyết định rút khỏi UNESCO cũng không gây ảnh hưởng tới Mỹ bởi quốc gia này có rất ít địa danh nằm trong danh sách di sản thế giới của UNESCO.
“Mỹ đang đi theo con đường địa phương hóa và thi hành các nguyên tắc của chủ nghĩa cô lập bao gồm cắt giảm chi tiêu cho NATO và LHQ. Do đó, UNESCO mới chỉ được xem là khởi đầu cho chiến lược mới của Mỹ”, ông Sudakov chia sẻ.
Giáo sư khoa học chính trị Alexander Gusev khẳng định quyết định dời khỏi UNESCO là động thái mới nhất trong chuỗi cô lập mình của Mỹ. Chiến lược này được bắt đầu từ việc Mỹ rút khỏi hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris và khả năng là rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Việc Mỹ rút khỏi UNESCO sẽ chính thức có hiệu lực vào cuối tháng 12/2018, từ giờ cho đến lúc đó, Washington vẫn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của một thành viên.
Xu hướng “bài” Israel được xem là lý do Mỹ ra quyết định rút khỏi UNESCO. Ngay cả Tel Aviv cũng cho biết sẽ "nối gót" Mỹ chuẩn bị rút khỏi tổ chức này.