Mỹ đánh giá quân đội Trung Quốc "tự tin" sáp nhập Đài Loan
Theo CNN, bản báo cáo được Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ công bố hôm 15/1 nhấn mạnh trong những năm qua, Trung Quốc đã tiến hành hàng loạt cải tổ quân sự đầy tham vọng cũng như thu mua nhiều công nghệ vũ khí mới nhằm tăng cường năng lực chuẩn bị đối phó trước những cuộc xung đột tiềm tàng trong khu vực, bao gồm Đài Loan.
![]() |
Tàu sân bay Liêu Ninh (ở giữa) của Trung Quốc tham gia đợt diễn tập ở Tây Thái Bình Dương hồi tháng 4/2018. |
“Mối quan tâm lâu nay của Trung Quốc là sáp nhập Đài Loan vào lãnh thổ đại lục. Việc ngăn chặn Đài Loan tuyên bố độc lập được xem là ưu tiên hàng đầu trong chương trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc”, bản báo cáo mang tên “Sức mạnh quân đội Trung Quốc” viết.
Cũng theo bản báo cáo này, “dự đoán của Bắc Kinh về việc các lực lượng nước ngoài can thiệp vào kịch bản Đài Loan đã khiến quân đội Trung Quốc phát triển hàng loạt hệ thống ngăn chặn và loại bỏ khả năng can thiệp từ các lực lượng nước ngoài".
Báo cáo ước tính chi tiêu của Trung Quốc cho quân đội "có thể vượt qua con số 200 tỷ USD" vào năm 2018, "tăng gấp ba lần kể từ năm 2002".
Còn theo Giám đốc Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ Robert Ashley, Trung Quốc đã sử dụng nhiều biện pháp để có được công nghệ tiên tiến nhằm tăng cường khả năng quân sự quốc gia, mặc dù một số nước đã cố gắng hạn chế để Bắc Kinh tiếp cận công nghệ mới.
"Bằng mọi cách, Trung Quốc dùng tiền và nỗ lực để có được công nghệ mới. Luật nội địa của Trung Quốc buộc các đối tác nước ngoài liên doanh với Trung Quốc phải cung cấp công nghệ để được tiến vào thị trường sinh lợi của nước này", ông Ashley cho hay.
Cũng theo bản báo cáo, Trung Quốc chi tiền cho lĩnh vực quốc phòng ít hơn so với khoản đầu tư 700 tỷ USD của Mỹ trong năm 2018. Tuy nhiên, Bắc Kinh có lợi thế do "không phải đầu tư tốn kém vào R&D (nghiên cứu và phát triển) các công nghệ mới với cấp độ tương đương Mỹ".
"Thay vào đó, Trung Quốc thường áp dụng những nền tảng tốt nhất và hiệu quả nhất từ các quân đội nước ngoài thông qua mua trực tiếp, trang bị thêm hoặc đánh cắp bản quyền trí tuệ. Do đó, Trung Quốc có thể tập trung vào việc đẩy mạnh hiện đại hóa quân sự chỉ với một phần nhỏ chi phí ban đầu", bản báo cáo cho biết.
Đặc biệt, ông Ashley thừa nhận “Trung Quốc đang ở trong thời kỳ sở hữu một số hệ thống vũ khí hiện đại nhất thế giới. Trong một số lĩnh vực, Trung Quốc còn đang đứng số 1 thế giới”.
Một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ giấu tên nhận định, Mỹ đặc biệt quan ngại với năng lực quân sự không ngừng gia tăng, các tướng lĩnh quân đội Trung Quốc có thể đưa ra lời khuyên cho giới lãnh đạo chính trị nước này về việc họ tự tin giành chiến thắng trong cuộc chiến sáp nhập Đài Loan.
“Mối quan ngại lớn nhất hiên nay chính là tướng quân đội Trung Quốc nói với nhà lãnh đạo Tập Cận Bình rằng, họ tự tin về năng lực quân sự”, CNN dẫn lời vị quan chức giấu tên.
Theo bản báo cáo của Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ, đa số tên lửa của Trung Quốc có khả năng tấn công các mục tiêu nằm trên đảo Đài Loan. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang đầu tư phát triển nhiều hệ thống vũ khí mới như máy bay ném bom H-6 trang bị tên lửa hành trình CJ-20 với tầm bắn xa hơn rất nhiều và có thể trở thành mối đe dọa đối các căn cứ quân sự của Mỹ ở đảo Guam.
Thậm chí, Trung Quốc còn sản xuất hoặc thu mua nhiều hệ thống vũ khí tối tân khác như tàu ngầm, tàu chiến mặt nước, máy bay tuần tra trang bị tên lửa, máy bay tấn công trên biển, các hệ thống phóng tên lửa trên mặt đất phục vụ hàng loạt tên lửa đất đối không và tên lửa hành trình chống hạm thế hệ mới.
“Trung Quốc đồng thời phát triển thế hệ tên lửa đạn đạo chống hạm di động đầu tiên trên thế giới. Hệ thống này đặc biệt được dùng để tiêu diệt các tàu sân bay của đối phương. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hy vọng với năng lực quân sự lớn, họ có thể ngăn chặn mọi động thái giành độc lập từ phía Đài Loan cũng như ngăn chặn sự can thiệp từ bên ngoài”, bản báo cáo nhấn mạnh.
Hồi đầu tháng này, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi Đài Loan từ bỏ ý định giành độc lập và nhấn mạnh tới con đường “hợp nhất trong hòa bình”.
Đáp trả, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn khẳng định Đài Loan sẽ “không bao giờ chấp nhận chính sách ‘một quốc gia, hai chế độ’” như chính quyền Bắc Kinh đưa ra.
Nhiều báo cáo nhấn mạnh thêm, Trung Quốc ngày càng tăng cường sự hiện diện quân sự ở Biển Đông đồng thời triển khai thêm các căn cứ quân sự trên các hòn đảo nhân tạo mà quốc gia này xây dựng trái phép ở vùng biển chiến lược. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc lại cho rằng Trung Quốc vẫn đang tìm cách né tránh phải tham chiến ở Biển Đông.
“Tôi cho rằng các bên đều đang dàn xếp để hoạt động một cách chuyên nghiệp. Trung Quốc không hề có lợi khi một cuộc khủng hoảng bùng phát ở Biển Đông. Tôi cho rằng, Trung Quốc thỏa mãn với những công trình mà họ xây dựng trái phép ở Biển Đông và tiến tới đàm phán với các nước có cùng tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này để hoạt động lâu dài”, quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ giấu tên chia sẻ.