Cuồng ghen thiêu chết người yêu lẫn bạn ở cùng, ám ảnh cả luật sư bào chữa
Những phiên toà ám ảnh
Với gần ba thập kỷ gắn bó nghề luật sư, 15 năm công tác tại Toà án Nhân dân tối cao, luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty Luật Bảo Ngọc, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) chia sẻ, trong “kho” hồ sơ của mình, ông đã tiếp xúc với rất nhiều những vụ án hình sự; tham gia bào chữa, bảo vệ cho hàng trăm khách hàng, trong đó có không ít những vụ án gây thương tích, giết người vì “cuồng ghen”.
Điều đáng nói là những vụ án này phần lớn xuất phát từ những cuộc tình trái luân thường đạo lý, bất chấp thuần phong mỹ tục của dân tộc, một trong hai bên hoặc thậm chí cả hai bên đều là những người có gia đình riêng nhưng vẫn lén lút qua lại, quan hệ bất chính với nhau.
“Có nhiều vụ án vẫn khiến tôi cảm thấy day dứt bởi chỉ vì cơn ghen tuông mù quáng, không làm chủ được cảm xúc của bản thân mà dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Người thì vướng vào vòng lao lý, người thì phải chịu thương tật suốt đời, thậm chí còn mất đi mạng sống. Không những thế, cuộc sống của gia đình thủ phạm lẫn nạn nhân đều bị xáo trộn, phải hứng chịu nhiều điều tiếng, sự coi thường, khinh rẻ của xã hội”, luật sư Phạm Thanh Bình nói.
Là luật sư tham gia bào chữa trong những vụ án “cuồng ghen”, mỗi vụ án đều để lại trong ông nỗi ám ảnh.
''Sự ám ảnh không chỉ cho những người trong cuộc cũng như thân nhân của họ. Nỗi ám ảnh còn đọng lại trong cả những người tham gia giải quyết vụ án, trong đó có cả những người bào chữa cho họ”.
Lật giở lại những trang tài liệu về vụ án Lê Văn T. (Bình Dương), vị luật sư chia sẻ một vụ án đau lòng.
Anh T và chị V kết hôn với nhau từ năm 2012, trong quá trình chung sống, anh T luôn là một người chồng hiền lành, yêu thương vợ con, chăm chỉ làm ăn kiếm tiền để nuôi gia đình.
Do thường xuyên đi làm ăn xa nhà, V (vợ anh T) đã có mối quan hệ “ngoài luồng” với anh K - một khách hàng thường xuyên mua hàng ở cửa hàng tạp hóa nơi chị V làm việc.
Người đàn ông hết mực vun vén cho gia đình biết chuyện “tày trời” ở nhà của vợ. Anh chủ động nói chuyện nhưng chị V. không những không hối hận mà còn tỏ ra thách thức, đòi ly hôn với anh T.
Do quá thất vọng về vợ, trong cơn cãi vã, anh T đã lấy chai bia đập vào đầu chị V, rồi chính anh đưa vợ đến bệnh viện để cấp cứu nhưng người phụ nữ không qua khỏi do chấn thương sọ não. Không lẩn trốn, anh T. cũng đến ngay cơ quan công an đầu thú. Sau đó, anh T bị tòa án phạt 12 năm tù về tội Giết người.
“Lúc gây án, anh T mới ngoài 30 tuổi, có 2 con nhỏ. Suốt quá trình bị tạm giam, lấy lời khai cũng như tiếp xúc với luật sư, anh T luôn tỏ ra rất ăn năn, hối hận về hành vi của mình.
Người đàn ông này cho biết, trong khoảng thời gian to tiếng với vợ, lúc đó cơn giận dữ đã lấn át, che mờ lí trí của anh khiến anh không thể làm chủ được cảm xúc của bản thân.
“Anh ta nói cũng bởi vì anh quá yêu thương và tin tưởng vợ, khi biết sự việc anh cũng đã hết lòng khuyên ngăn, mong vợ suy nghĩ lại để quay về cùng nhau xây dựng tổ ấm, chăm lo con cái nhưng chị V lại có thái độ hỗn láo, thách thức, kiên quyết đòi ly hôn nên anh mới bột phát hành động như thế.
Anh luôn cảm thấy có lỗi với các con, lo sợ việc mình phải đi tù sẽ không có ai chăm sóc, nuôi nấng con. Lúc ra tòa, khi nói lời sau cùng, anh cũng mong Tòa xem xét, khoan hồng, đưa ra mức án hợp lý, hợp tình để anh có cơ hội làm lại từ đầu, chăm sóc con cái nên người”, luật sư Phạm Thanh Bình kể lại.
Bị tuyên án tử hình mới hốt hoảng với hành vi tẩm xăng thiêu chết người yêu và bạn
Một vụ án khác xảy ra ở TP Hồ Chí Minh mà cũng chính luật sư Phạm Thanh Bình tham gia bảo vệ quyền lợi cho bị hại (chị N) cũng khiến ông nhớ mãi không quên.
Nguyễn Ngọc D và chị N yêu nhau từ năm 2018, do bản tính ghen tuông nên anh D thường xuyên kiểm soát mọi hoạt động của người yêu, không cho phép chị N tiếp xúc với bạn bè, kể cả bạn cùng giới.
Không chịu đựng được sự kiểm soát vô lý của anh D nên chị N đã nói lời chia tay, tuy nhiên anh D không đồng ý mà tìm mọi cách níu kéo, thậm chí dọa dẫm bằng cách chặn đường, khủng bố tin nhắn, cuộc gọi cho cả chị N và người thân của chị.
Sau đó, do cay cú nên anh D đã mua xăng và lẻn vào nhà chị N, tưới xăng khắp nhà và khóa trái cửa, châm lửa đốt. Hậu quả, chị N và một người bạn ở cùng bị tử vong.
“Mặc dù bị khởi tố về tội giết người nhưng khi ra tòa D vẫn tỏ ra rất bình tĩnh, trả lời chi tiết các câu hỏi của Hội đồng xét xử về diễn biến vụ án, không hề có thái độ ăn năn, hối lỗi về hành vi của mình.
Thậm chí, D còn cho rằng nguyên nhân là do chị N, D đã cảnh cáo trước nhưng chị N không nghe nên chị N phải gánh chịu.
Chỉ đến khi nghe tòa tuyên án với mức hình phạt cao nhất là tử hình, D mới hốt hoảng và ý thức được hành vi phạm tội của mình.
Tuy nhiên, đã không có liều thuốc nào mang tên “hối hận” hay “giá như” dành cho kẻ thủ ác. D đã phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình”, luật sư Phạm Thanh Bình kể.
Luật sư phân tích, ghen là một trạng thái tâm lý bực tức, giận dữ… vì thấy mình bị “kém tình địch” nên khi ghen, con người sẽ dễ chuyển từ trạng thái tâm lý bực tức, giận dữ sang hành động bạo lực mù quáng.
“Nếu rơi vào một người có nhận thức kém, họ rất dễ cướp đi sinh mạng của người yêu, người vợ. Và hệ quả để lại thực sự đớn đau”, luật sư Phạm Thanh Bình nhấn mạnh.
N. Huyền