Mục tiêu một triệu doanh nghiệp đến năm 2020 được thực hiện ra sao?
Theo Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về tình hình thực hiện Nghị quyết 35 năm 2016 và Nghị quyết 02 năm 2019, nếu duy trì mức tăng trưởng số doanh nghiệp trong giai đoạn 2015-2018 thì đến ngày 31/12/2020, cả nước sẽ có 984.003 doanh nghiệp, đạt 98,4% so với mục tiêu đề ra.
Tốc độ tăng số doanh nghiệp trung bình của cả nước trong 3 năm 2015-2018 là 17,3% mỗi năm. Như vậy, trong khoảng thời gian còn lại, cần có những biện pháp cải cách mạnh mẽ hơn rất nhiều không chỉ về gia nhập thị trường mà còn cả các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp mới có thể đạt được mục tiêu đề ra 1 triệu doanh nghiệp như Nghị quyết 35 đã nêu.
Năm 2016, đầu nhiệm kỳ Chính phủ hiện nay, theo chỉ đạo của Chính phủ, tất cả các địa phương trên cả nước đã ký cam kết với VCCI về việc cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Trong đó, có 40/63 tỉnh thành đã có nội dung cam kết về số lượng doanh nghiệp tính đến năm 2020. Theo tính toán của VCCI, nếu vẫn duy trì tốc độ tăng doanh nghiệp như trong 3 năm 2015-2018, sẽ có 27/40 tỉnh thành đạt và vượt cam kết, và có 13/40 tỉnh thành không đạt được số lượng doanh nghiệp như đã cam kết.
Địa phương có mức cam kết cao nhất là Bắc Giang, phấn đấu trong 5 năm tăng 341% số doanh nghiệp, từ 2.043 lên 9.000 doanh nghiệp. Đến năm 2018, Bắc Giang có 5.451 doanh nghiệp, tăng 167% và nếu tiếp tục duy trì tốc độ này, đến năm 2020 Bắc Giang sẽ có 10.486 doanh nghiệp, tăng 413% so với năm 2015, đạt 117% so với cam kết. Đây cũng là địa phương có tốc độ tăng doanh nghiệp cao nhất cả nước, trung bình 39% mỗi năm.
Một doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống tại Phú Quốc, Kiên Giang. |
Sau Bắc Giang, Đồng Nai là tỉnh có tỷ lệ doanh nghiệp tăng nhanh thứ hai cả nước, từ 2.893 doanh nghiệp lên 10.000 doanh nghiệp.
Đồng Nai cam kết tăng số doanh nghệp từ 9.188 lên 25.000 doanh nghiệp, tương đương mức tăng 172% trong vòng 5 năm. Nếu duy trì tốc độ này, Đồng Nai sẽ có 36.968 doanh nghiệp vào nawm 2020, vượt Hải Phòng và Đà Nẵng trở thành địa phương có số doanh nghiệp cao thứ tư cả nước, sau TP.HCM, Hà Nội và Bình Dương.
Ngoài các tỉnh nói trên, Vĩnh Phúc cũng là một tỉnh có mức cam kết rất cap, từ 2.893 doanh nghiệp lên 10.000 doanh nghiệp. Tỉnh này cũng là một trong những tỉnh có tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp cao nhất, 30% mỗi năm, và dự kiến sẽ đạt 10.860 doanh nghiệp vào năm 2020.
Ngoài Bắc Giang, Đồng Nai, và Vĩnh Phúc, còn phải kể đến một số tỉnh có tỷ lệ tăng doanh nghiệp rất nhanh như Bắc Ninh (30% mỗi năm), Hải Phòng (30%), Hưng Yên (29%), Lạng Sơn (27%), Thái Nguyên (26%), Khánh Hòa (27%), Bình Dương (28%), Bình Phước (26%), Bạc Liêu (27%).
Một số tỉnh có tốc độ tăng doanh nghiệp thấp như Kon Tum 9%, Phú Yên 8%, Quảng Trị 8%, Điện Biên 6%. Các tỉnh này sẽ gặp khó khăn trong việc đáp ứng số doanh nghiệp như đã cam kết.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XII vừa qua đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi nhiều nỗ lực của các Bộ, ngành và địa phương.
Trong đó, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một trong những ưu tiên đã được nhấn mạnh trong các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ về điều hành kinh tế - xã hội.
Nghị quyết 02 năm 2019 giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ và một số Bộ, ngành khác trong việc phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Mới đây nhất, ngày 02/10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1269/QĐ-TTg thành lập Trung tâm ĐMST Quốc gia nhằm thực hiện hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển KHCN.