Mục tiêu đến năm 2020 có 70% dân số trưởng thành có tài khoản tại các ngân hàng
Ngày 2/11/2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai trong toàn ngành về việc thực hiện “Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế” tại Quyết định số 1726/QĐ-TTg, ngày 05/9/2016, của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 1726).
NHNN cho biết, đến nay kênh cung ứng dịch vụ ngân hàng đã liên tục phát triển: có 9.787 chi nhánh, phòng giao dịch, 16.937 ATM, 222.831 POS, trên 60 tổ chức tín dụng áp dụng internet banking, 35 tổ chức tín dụng sử dụng mobile banking.
Ảnh minh họa |
Sản phẩm dịch vụ ngân hàng phát triển đa dạng phong phú, có sản phẩm đã bắt kịp trình độ hiện đại của thế giới.
Kết quả cụ thể: nguồn vốn trên 6 triệu tỷ = 144% GDP; dư nợ 4,66 triệu tỷ, bằng 111% GDP năm 2015; phát hành 99,52 triệu thẻ cuối 2015 với giá trị giao dịch qua thẻ 230,6 ngàn tỷ đồng; 37/44 ngân hàng thương mại (NHTM) triển khai Ví điện tử, quản lý tài sản, tư vấn tài chính đã bước đầu phát triển.
Chất lượng sản phẩm dịch vụ ngân hàng được cải thiện: hiện đại, tiện ích, giảm thủ tục & chi phí giao dịch, có sản phẩm dịch vụ ngân hàng tự động 24/24 giờ.
Mức độ sử dụng dịch vụ ngân hàng gia tăng mạnh, tài khoản cá nhân từ 36,77 triệu tài khoản năm 2015, gấp 15 lần năm 2004; 20,67% người trưởng thành khu vực nông thôn có khoản vay ở tổ chức tài chính; Thanh toán qua internet gia tăng 30-50%/năm, hiện có khoảng 2 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ này, thanh toán qua điện thoại di động đạt khoảng 700 ngàn đồng/người/tháng, giảm tỷ lệ tiền mặt trong M2 từ 18% (2005) xuống khoảng 11% hiện nay.
Tuy nhiên, cũng còn những khó khăn thách thức mà hệ thống ngân hàng cần cải thiện đó là: tỷ lệ thu phí dịch vụ phi tín dụng còn khiêm tốn; gánh nặng cung ứng vốn cho nền kinh tế vẫn dồn lên vai hệ thống ngân hàng cần phải được san sẻ từ thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm; mức độ tiếp cận dịch vụ của dân cư và doanh nghiệp chưa đồng đều theo khu vực địa lý cũng như quy mô kinh doanh.
Chính vì vậy, Đề án 1726 của Thủ tướng chính phủ đề cập đến 3 vấn đề xuyên suốt từ mục tiêu đến các giải pháp cần phải đạt được là: gia tăng kênh cung ứng dịch vụ ngân hàng; gia tăng số lượng và chất lượng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, thiết kế đơn giản, dễ tiếp cận đối với người dân, doanh nghiệp, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, đối với người nghèo; gia tăng về mức độ sử dụng dịch vụ ngân hàng đối với người dân và doanh nghiệp.
Đề án 1726 xác định rõ mục tiêu tổng quát, 8 mục tiêu cụ thể cần đạt được đến năm 2020: 70% dân số trưởng thành có tài khoản tại các ngân hàng; Có ít nhất 20 chi nhánh, phòng giao dịch/100.000 dân số trưởng thành; Khoảng 30.000 máy ATM (40 máy/100.000 dân số trưởng thành); 300.000 POS (400 POS/100.000 dân số trưởng thành); Có khoảng 15% số chi nhánh, phòng giao dịch của NHTM mở tại địa bàn nông thôn; Khoảng 35-40% người trưởng thành ở nông thôn có tiết kiệm tổ chức tín dụng; Khoảng 50-60% DNNVV đang hoạt động tiếp cận tín dụng; Tăng gấp 2 lần tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng.
Hội nghị tập trung thảo luận nội dung về phát triển dịch vụ ngân hàng, nhất là sản phẩm phi tín dụng, gắn liền với đó là các cơ chế về bảo mật thông tin, đảm bảo an toàn trong cung cấp dịch vụ của các ngân hàng thương mại; Phát triển kênh cung ứng sản phẩm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách, nâng cao chất lượng hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội, các tổ chức tài chính vi mô, Quỹ tín dụng nhân dân; cải tiến chính sách, quy trình, đơn giản hóa thủ tục, thiết kế sản phẩm đơn giản dễ tiếp cận đối với người dân và doanh nghiệp…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh yêu cầu các đơn vị tại Hội sở chính của NHNN, các chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố, các TCTD tập trung xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể, có lộ trình thực hiện cụ thể theo nhiệm vụ được phân công và định kỳ có báo cáo phản ánh về NHNN qua Viện chiến lược ngân hàng để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.