Mưa miền Tây, rủ nhau đi soi ếch
Cơn mưa lắc rắc lúc chiều làm mặt đất ướt đẫm, báo hiệu cho một đêm có thể soi được nhiều ếch. Đúng 18 giờ, chúng tôi theo chân một nhóm đi soi ếch tại khu cánh đồng trải dài ở xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang).
Tiết trời đã bắt đầu lành lạnh, trên những đám ruộng loang lổ vết cày ải, mùi rơm rạ bốc lên nồng cả khoang mũi. Tiếng ếch nhái kêu râm ran xé tan bầu không khí tĩnh lặng.
Nhóm soi ếch đã chuẩn bị dụng cụ sẵn sàng, nào là vợt bắt ếch, giỏ đựng ếch, đèn ắc-quy hay đèn pin cầm tay, đèn đội đeo giữa trán.... Từ đầu cánh đồng cho tới mãi xa hàng cây số sáng rực những ánh đèn nhấp nháy lung linh như một thành phố về đêm.
Vừa đặt chân xuống đám ruộng, anh Nguyễn Tấn Định (ngụ xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho) thuần thục pha đèn về phía trước nơi có tiếng ếch kêu. Nhìn từ xa, con ếch ngồi đưa ức trắng nõn, 2 con mắt lóe sáng khi bị ánh đèn pin chiếu vào. Chỉ 2 bước chân sải dài, anh Định đã dùng vợt vợt gọn con ếch bỏ vào giỏ.
Anh Nguyễn Tấn Định đang thăm bẫy (ảnh: Hoài Thương) |
Ở Tiền Giang, người đi soi ếch chỉ bắt ếch bằng vợt và dùng một số loại bẫy, không bắt bằng chĩa hay cắm câu như ở các vùng khác. Bẫy được đặt quanh bờ ruộng, những vườn dừa hay vườn cây ăn trái. Dân soi ếch sau đó dùng máy đã thu tiếng ếch kêu phát lên. Ếch trong hang khi nghe tiếng kêu chui lên, lao đến nơi phát tiếng kêu để tìm bạn tình để bắt cặp thì dính bẫy.
Dân soi ếch chuyên nghiệp nghe tiếng kêu để phân biệt được ếch và nhái. Tiếng ngắn, đứt quãng là ếch, tiếng nhanh, dài là nhái. Phải phân biệt được mắt ếch với mắt cóc, chuột, và thậm chí là rắn, nếu không muốn mất mạng. Hai mắt ếch do phản xạ với ánh sáng của đèn soi nên đứng yên.
Theo kinh nghiệm của những người soi ếch kỳ cựu, vào thời điểm sáng trăng, không nên đi soi ếch. Ánh sáng sẽ lan tỏa khắp mọi nơi, ếch thấy người sẽ nhảy đi trốn, rất khó bắt. Vào tầm 2 - 3 giờ sáng mới có nhiều ếch.
Sát bên anh Định là bác Phạm Văn Tuấn (ngụ Bình Nhì, huyện Gò Công Tây). Thân hình gầy còm, làn da ngăm đen, bác Tuấn thoăn thoắt bước qua đám ruộng, nhanh nhẹn tóm gọn một con ếch. Cầm con ếch trên tay, bác Tuấn giải thích: “Mới đầu mùa mưa nên ếch còn nhỏ. Mưa nhiều ếch mới to. Đầu mùa, ếch chui xuống lỗ nẻ hay hang cua, hang rắn nên có khi thấy cũng đành bó tay”.
Anh Định kể 2 anh em của anh từ nhỏ đã theo cha rong ruổi khắp ruộng đồng “săn” ếch, kinh nghiệm được tích lũy dần rồi thạo “nghề”. Cứ vào mùa mưa, 2 anh em lại lang thang khắp đồng bưng vùng đồng bằng sông Tiền, bắt ếch mưu sinh. Hiện tại, mỗi chuyến đi soi anh Định có thể bắt được khoảng 5-10 kg ếch, được thương lái thu mua với giá 100.000-110.000 đồng/kg.
Bác Phạm Văn Tuấn khoe về chiến lợi phẩm mà mình vừa mới thu hoạch (ảnh: Hoài Thương) |
Theo những người sống bằng nghề soi ếch, lượng ếch đồng gần đây khan hiếm hơn nên giá ếch tăng cao. Vì vậy, dù phải thức trắng đêm vất vả, lội ruộng hàng cây số nhưng sau một đêm thu hoạch chừng 5 – 7kg ếch cũng giúp trang trải cuộc sống.
Trời chuyển dần về khuya, những đám mây đen làm cho bầu trời toàn một màu xám xịt. Những người soi ếch trở về sau hàng giờ băng đồng lội ruộng. Trên những cánh đồng tràn ngập hơi sương, tiếng ếch, nhái vẫn kêu râm ran càng làm cho chúng tôi thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của những người làm nghề soi ếch. Đằng xa, những ánh đèn soi ếch, nhái vẫn le lói thoắt ẩn, thoắt hiện trong đêm vắng cùng những con người đêm đêm vẫn cần mẫn với nghề.
Những mùa bắt ếch trở thành những mùa thương nhớ trong kí ức tôi, đó là những ngày cùng anh cùng chú ra đồng bắt ếch. Tiếng ếch nhái kêu râm ran cả khoảng trời đêm yên tĩnh nơi quê nhà sẽ mãi là những âm thanh thân thiết trong trẻo khơi gợi những cảm xúc nhớ thương dâng trào của những người xa xứ.