Mùa dịch, chăm sóc trẻ viêm đường hô hấp như thế nào?
Theo PGS Nguyễn Thị Hoài An, hiện tại đang thời điểm giao mùa nên tình trạng viêm hô hấp của trẻ em tăng cao. Đặc biệt, nếu chăm sóc không đúng có thể dẫn tới viêm phổi, nguy hiểm cho trẻ.
PGS Nguyễn Thị Hoài An – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt (Hà Nội) cho biết, thời tiết giao mùa hầu như năm nào số trẻ mắc các bệnh lý viêm hô hấp đều tăng. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc thăm khám sẽ khó khăn hơn. Trong khi đó, đặc điểm của trẻ nhỏ hệ hô hấp chưa phát triển hoàn chỉnh, đường thở ngắn, hít thở nhiều lần trong một phút nên các tác nhân gây bệnh dễ xâm nhập gây bệnh viêm đường hô hấp.
Đây là bệnh dễ tái phát nhiều lần nên khiến các bậc cha mẹ không khỏi lo lắng.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt cho rằng, bị viêm hô hấp nếu được chăm sóc tốt, hầu hết các bệnh viêm đường hô hấp có thể tự khỏi.
PGS Nguyễn Thị Hoài An khám cho bệnh nhân. |
Trước tình hình dịch bệnh đi lại có phần hạn chế, PGS Nguyễn Thị Hoài An chia sẻ các biện pháp phụ huynh có thể tham khảo thông tin về cách chăm sóc trẻ viêm đường hô hấp tại nhà dưới đây:
Thứ nhất, trường hợp bé sốt: Có thể dùng paracetamol từ 10 – 15mg/1kg khi sốt trên 38,5 độ. Nếu dùng hạ sốt rồi mà bé vẫn sốt cao, nên cho bé tắm nước ấm (làm ướt cả đầu) để hạ nhiệt nhanh, tránh tình trạng co giật do sốt cao.
Thứ hai, bé sổ mũi: Nên lau mũi cho bé bằng khăn mềm, khô (tốt nhất là dùng khăn giấy mềm). Giữ ấm. Mùa hè, cho bé mặc quần áo thoáng mát, tránh nằm ngay luồng quạt máy, luồng gió máy lạnh. Nhiệt độ phòng là trên hoặc bằng 25 độ C.
Thứ ba, bé nghẹt mũi: Sử dụng dung dịch nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) nhỏ mũi để làm loãng mũi cho bé, sau đó hút sạch và ngoáy khô mũi bằng tăm bông khô, sạch.
Thứ tư, bé ho: Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Uống nhiều nước và vỗ lưng thường xuyên là quan trọng, điều này giúp loãng đàm, long đàm, giảm ho cho bé.
Thứ năm, bé nôn: Nôn có thể do đặc đờm, cũng có thể do bệnh nặng. Vì vậy, nếu đang điều trị mà thấy nôn nhiều, nên cho bé tái khám.
PGS An cho biết trong thời điểm này chế độ dinh dưỡng cũng cần được quan tâm hơn. Trẻ phải tăng cường cho trẻ ăn, bú, tránh các tập quán kiêng ăn.. Đây là điều rất quan trọng vì trẻ bị viêm phổi cần được cung cấp nhiều nước để làm loãng đờm, dịu họng, giảm ho. Cần cho trẻ ăn đủ chất, bú đều đặn khi đang bệnh. Khi trẻ vừa khỏi bệnh cũng cần bồi dưỡng thêm cho trẻ mau lại sức.
Đối với trẻ nhỏ, khi mũi bị nghẹt, tắc, trẻ sẽ khó bú, khó ăn hơn. Vì vậy cần làm thông thoáng mũi cho trẻ để trẻ có thể bú, ăn dễ dàng hơn.
Cần lưu ý theo dõi và đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện nếu thấy trẻ có một trong các dấu hiệu sau:
+ Thở khó khăn (thở nhanh hơn, mạnh hơn, thở co lõm lồng ngực)
+ Trẻ không bú được
+ Không thể uống được nước
+ Trẻ trở nên mệt hơn.
Sau đó, trẻ vẫn cần được bác sĩ khám lại sau 2 ngày để đánh giá xem thuốc kháng sinh trẻ dùng có hiệu quả tốt hay không. Ngay trong trường hợp tốt nhất (trẻ thở trở lại bình thường, hết sốt, ăn, bú khá hơn) trẻ cũng cần phải tiếp tục cho uống kháng sinh đủ thời gian là 5 ngày. Nếu sau 2 ngày tái khám mà trẻ còn thở nhanh, thầy thuốc sẽ cho trẻ dùng một loại kháng sinh cần thiết khác hoặc cho cháu nhập viện điều trị.
K.Chi