Mua đám đất hoang giữa cơn sốt, người đổi đời, kẻ trắng tay
Mua 10 sào đất trồng cây lâu năm tại Ba Vì, Hà Nội, không ngờ gia đình tôi nhiều năm nay phải đi ở thuê, vợ chồng lục đục, cãi vã nhau thường xuyên vì đất.
Đó là câu chuyện của anh Đỗ Văn Tuất (Sóc Sơn, Hà Nội).
Anh Tuất kể, giữa năm 2010, trong cơn sốt đất tại Ba Vì (Hà Nội), vì thấy bạn bè mua đi bán lại đất khiến ai cũng có được nhà to, xe đẹp, nên anh quyết định bàn bạc với vợ bán đi căn nhà nhỏ 30 m2 ở Xã Đàn để lấy tiền đầu tư đất Ba Vì.
Căn nhà cũ bán được khoảng 2 tỷ đồng, anh đem hết số tiền ấy đi mua 1 mảnh đất rộng hơn 4 ha ở xã Yên Bài (Ba Vì, Hà Nội) với hy vọng kiếm lời. Thời điểm anh Tuất mua, đất Ba Vì đang lên cơn sốt, vì vậy, giá đất khoảng 560.000 đồng/m2, tăng rất mạnh so với hồi đầu năm 2010 chỉ 195.000 đồng/m2.
“Lúc tôi mua giá đất đã tăng gấp ba, nhưng vì thấy bạn bè cũng mua lúc giá đang sốt mà vẫn thắng nên tôi quyết làm theo”, anh Tuất nói.
Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, anh Tuất nhanh chóng phải nếm trái đắng khi giá đất lao dốc không phanh, rao bán cũng không có người mua. Số tiền 2 tỷ đồng của anh vì thế bị “chôn” hơn chục năm ở Ba Vì.
“Lúc tôi nói bán nhà mua đất, vợ tôi đã cản. Vì thế, cho đến tận bây giờ, vợ tôi vẫn chưa nguôi giận, thường xuyên trách móc, nhất là đến mỗi kỳ trả tiền nhà thuê”, anh Tuất tâm sự.
Một điều làm anh Tuất càng thêm bận lòng đó là trong khi gia đình anh lâm vào cảnh mất nhà, phải đi ở thuê thì nhiều người bạn anh lại trở nên giàu có nhờ đón đúng sóng nhà đất.
Anh Tuất kể, anh làm công chức nhà nước nhiều năm, lương lậu chỉ đủ chi tiêu tằn tiện, bạn anh cũng vậy. Nhưng chỉ sau hơn nửa năm buôn đất, nhiều người đã bỏ nghề, mua nhà to, xe xịn để đi.
“Anh bạn tôi kể, có tuần lướt 2 mảnh đất lãi cả tỷ đồng, nên tôi cũng ham làm giàu mà lao vào cơn sốt đất. Nhưng không phải thấy người ta ăn được mà mình cũng có ăn. Đó là bài học tôi không bao giờ quên”, anh Tuất cay đắng kể.
Theo chuyên gia, đặc điểm chung của những cơn sốt đất là hiệu ứng tâm lý đám đông, đất được sang tay giữa các nhà đầu cơ, cò đất với nhau thông qua hình thức đặt cọc. Người nọ sang tay cho người kia với giá được "hét" tăng theo giờ, tạo sức nóng ở khu vực đó.
Sau khi chính quyền các địa phương vào cuộc, các cơn sốt đất theo phong trào mới lắng xuống. Chỉ có những ai nhanh nhạy mới có thể kiếm lời được từ những cơn sốt đất như vậy, còn đa số đầu tư theo đám đông, hứng chịu giá đất phải mua cao ngất ngưởng sẽ nếm "trái đắng" khi cơn sốt qua đi. Cho đến nay, “trái đắng” từ cơn sốt đất Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà), Phú Quốc (Kiên Giang) vẫn là bài học nhãn tiền với các nhà đầu tư.
Các chuyên gia bất động sản cũng cho rằng, đất nền, nhất là tại các vùng ven, ngoại thành, là sản phẩm đầu tư dài hạn, có thể phải xây dựng, quản lý trong tương lai. Các nhà đầu tư luôn có suy nghĩ đầu tư để kiếm lợi nhuận mà quên mất câu chuyện đầu tư còn để bảo toàn vốn, bảo toàn tài sản, để tránh câu chuyện tiền có thể mất giá.
Vì vậy, người dân và những nhà đầu tư, trước khi xuống tiền cần phải tìm hiểu kỹ các quy hoạch vùng liên quan, xem các dự án, khu đô thị có đảm bảo tính pháp lý hay không./.
Đánh thuế cao giá bất động sản chưa chắc giảm, đây mới là giải pháp hữu hiệu
Có ý kiến cho rằng, thuế chỉ là một biện pháp giúp ổn định thị trường trong ngắn hạn. Còn muốn hạ nhiệt đầu cơ và giảm giá bất động sản thì yếu tố cốt yếu của thị trường là phải tăng nguồn cung…
Theo VTCNews