Mua căn hộ tiền tỷ, ngân hàng định giá vài trăm triệu: Lý do sững sờ
Sau nhiều lần kiến nghị tới chủ đầu tư nhưng cư dân chung cư Golden Field ở khu đô thị Mỹ Đình 1, phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng từ chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Địa ốc MB (nay là Tổng Công ty MBLand - MBLand Holdings) nên nhiều băng rôn với các kiến nghị đã được cư dân treo lên chính căn hộ, tòa nhà mình ở.
Một trong số vấn đề khiến cư dân Golden Field bức xúc đó chính là các căn hộ của người dân hiện vẫn chưa được giải chấp.
Cư dân Golden Field treo băng rôn quanh nhà khi bức xúc chưa được MBland giải quyết... |
Chia sẻ với PV Infonet, chị Nguyễn Hồng Hiếu, chủ căn hộ 2119 vô cùng bức xúc khi đến nay căn hộ mà chủ đầu tư MBland đã bán cho gia đình chị hiện vẫn đang bị chủ đầu tư thế chấp ở Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Khi cần tiền để giải quyết việc gia đình, chị Hiếu tới ngân hàng để làm thủ tục và phía ngân hàng yêu cầu phải có văn bản giải chấp căn hộ, chị Hiếu đã yêu cầu MBland cung cấp văn bản này. Theo đúng lịch hẹn, văn bản mà chị Hiếu nhận đượctừ MBland lại chỉ là “Thông báo giải chấp”… tức sẽ được giải chấp trong tương lai chứ không phải văn bản đã được giải chấp.
"Khi mang thông báo giải chấp đến MB bank thì nhân viên ngân hàng này nói chỉ cố thể giải quyết cho chị vay theo gói nội thất, khoảng 500 triệu đồng".
“Cho đến nay tôi vẫn chưa nhận được văn bản giải chấp căn hộ mà dù đã về ở gần 1 năm nay, chủ đầu tư MBland cũng chưa có câu trả lời chính xác đến bao giờ sẽ giải chấp, mỗi lúc chủ đầu tư lại hứa hẹn một kiểu. Chẳng có lý do gì mà chúng tôi bỏ tiền ra mua nhà, đã nhận nhà về ở mà chủ đầu tư vẫn thế chấp căn hộ của chúng tôi ở ngân hàng…”, chị Hiếu cho hay.
Chị Hiếu cho rằng, chủ đầu tư dự án Golden Field không hợp tác với người dân. Đối với việc giải chấp căn hộ chủ đầu tư chỉ trả lời với thông báo rất mông lung, không có thời điểm cụ thể nào, khiến người dân khó tin tưởng, liệu chủ đầu tư có thực hiện đúng hay chỉ hứa hẹn?
“Chúng tôi không chấp nhận việc thế chấp căn hộ này vì sau khi chủ đầu tư bán căn hộ cho chúng tôi thì đấy là tài sản của người dân chúng tôi, khi chúng tôi mua nhà trả tiền thì chủ đầu tư phải đi trả tiền ngân hàng để giải chấp cho khách hàng, nếu không trả thì chủ đầu tư mang tiền đi đâu, làm gì? Không có lý do gì chủ đầu tư được mang tài sản của chúng tôi thế chấp ngân hàng, như vậy chẳng khác gì chúng tôi đang phải mượn nhà của Mbland để ở”, chị Hiếu bức xúc.
Một trong số vấn đề khiến cư dân Golden Field bức xúc đó chính là các căn hộ của người dân hiện vẫn chưa được giải chấp dù đã về ở gần 1 năm nay. |
Tương tự, chủ căn hộ 2002, anh Nguyễn Hải Việt cũng vô cùng bức xúc khi gia đình anh đã nhận bàn giao căn hộ và về ở từ ngày 22/1 đến nay nhưng hiện căn hộ vẫn đang thế chấp ở ngân hàng.
Anh Việt cho hay, anh cũng đã có đơn đề nghị Công ty MBland làm thủ tục giải chấp căn hộ của gia đình anh, nhưng cho đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết. Cũng theo anh Việt, không chỉ có căn hộ của gia đình anh mà nhiều căn hộ khác tại dự án chung cư hiện vẫn chưa được giải chấp.
“Theo khoản 1 điều 147 Luật nhà ở 2014, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó; trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp nhà ở mà có nhu cầu huy động vốn góp để phân chia nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở hoặc có nhu cầu bán, cho thuê mua nhà ở đó thì phải giải chấp nhà ở này trước khi ký hợp đồng huy động vốn góp, hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở với khách hàng, trừ trường hợp được bên góp vốn, bên mua, thuê mua nhà ở và bên nhận thế chấp đồng ý. Việc xác định nhà ở đã được giải chấp trước khi ký hợp đồng huy động vốn góp, hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở với khách hàng theo quy định tại khoản này được nêu rõ trong văn bản thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà ở”. Như vậy, chiểu theo quy định này thì Công ty MBland vẫn ký hợp đồng bán nhà cho khách hàng khi căn hộ chưa được giải chấp, tức là sai quy định pháp luật.
Bên cạnh vấn đề giải chấp căn hộ, nhiều kiến nghị khác mà người dân kiến nghị từ lâu nhưng chưa được giải quyết như vấn đề sở hữu chung riêng ở tầng hầm, việc chủ đầu tư chưa thi công hệ thống đỗ xe thông minh để tăng chỗ để xe tại hầm B1, B2 theo đúng nội dung phê duyệt của UBND TP Hà Nội; vấn đề cấp sổ hồng sở hữu căn hộ; vấn đề tổ chức hội nghị nhà chung cư để thành lập Ban quản trị tòa nhà….
Cùng với đó, là việc ký hợp đồng điện nước trực tiếp với các đơn vị cung cấp, vấn đề an ninh tòa nhà khi có nhiều người lạ xuất hiện đi lên từng căn hộ để phát tờ rơi quảng cáo, vấn đề vệ sinh tòa nhà không đảm bảo tương xứng với chất lượng dịch vụ của chung cư cao cấp mà chủ đầu tư quảng cáo khi bán hàng….