Mưa bão liên tục, thủy điện vẫn thiếu nước, EVN phải huy động điện dầu giá cao
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tiếp tục tăng cao trong các tháng cuối năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã và đang tăng cường huy động nguồn điện từ các nhà máy nhiệt điện than và nguồn điện chạy dầu giá cao.
Cụ thể, trong tháng 10, EVN đã huy động khoảng 400 triệu kWh sản lượng nhiệt điện dầu, bao gồm các tổ máy của Ô Môn, Cà Mau, Thủ Đức, Phú Mỹ 21, Phú Mỹ 1, Bà Rịa, Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2, nhằm đáp ứng phụ tải và tích nước thủy điện phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2020 và cấp điện mùa khô 2020.
Từ nay đến cuối năm, sản lượng nhiệt điện dầu dự kiến khai thác có thể lên đến 1,45 tỷ kWh. Lũy kế cả năm 2019, tổng sản lượng dầu dự kiến huy động đạt 2,57 tỷ kWh.
Việc EVN phải huy động nguồn điện chạy dầu cao là trong các tháng cuối năm là do, sản lượng điện huy động từ các nhà máy thủy điện giảm, bởi lưu lượng nước về và mực nước tại các hồ thủy điện rất thấp so với cùng kỳ nhiều năm. Cụ thể, ngoại trừ một số hồ thủy điện ở miền Nam và Tây Nguyên có lưu lượng nước tương đương trung bình nhiều năm, nhiều hồ thủy điện lớn ở Bắc Bộ và Trung Bộ đến nay nước vẫn về thấp hơn rất nhiều so với năm 2018 cũng như trung bình nhiều năm.
Mặc dù gần đây có 2 cơn bão số 5 và số 6 gây mưa diện rộng nhưng chỉ ảnh hưởng chủ yếu đến các hồ khu vực Nam Trung Bộ; còn lại mức nước nhiều hồ thủy điện hiện đang thấp hơn so với cùng kỳ 2018 khoảng từ 8 - 16m. Điển hình như: hồ Lai Châu thấp hơn 10,5m; hồ Sơn La thấp hơn 15,7m; hồ Hòa Bình thấp hơn 8,2m; hồ Hủa Na thấp hơn 12,3m; hồ Cửa Đạt thấp hơn 11,2m,...
Tổng dung tích hữu ích hiện có ở các hồ chứa thủy điện thiếu hụt so với mực nước dâng bình thường khoảng gần 11 tỷ m3, trong đó riêng đối với 3 hồ chứa lớn lưu vực sông Hồng (Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình) đã thiếu hụt gần 7,3 tỷ m3.
Tổng sản lượng điện huy động từ thủy điện 2 tháng cuối năm dự kiến chỉ đạt 10,6 tỷ kWh, thấp hơn 2,4 tỷ kWh so với kế hoạch năm. Ước tính, năm 2019, tổng sản lượng thủy điện chỉ đạt 65,3 tỷ kWh, thấp hơn 9,9 tỷ kWh so với kế hoạch năm.
Bên cạnh đó, việc cung ứng than cho phát điện cũng đang gặp nhiều khó khăn; nguồn khí trong nước suy giảm. Công suất các nguồn năng lượng tái tạo đã được đưa vào vận hành và dự kiến tiếp tục tăng cao, tuy nhiên dù công suất lắp đặt của toàn bộ các nhà máy điện mặt trời và gió chiếm tỷ trọng khoảng 9% trên tổng công suất nguồn điện cả nước, nhưng sản lượng điện của các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời và gió chỉ chiếm khoảng 2,5%.
Đối với năm 2020, tính toán cân bằng cung cầu điện đến nay cho thấy, việc cung cấp điện vẫn có thể được đảm bảo nếu không có những yếu tố cực đoan, bất thường (thời tiết thủy văn, nước về các hồ thủy điện ở mức tương đương trung bình nhiều năm, phụ tải hệ thống không tăng trưởng đột biến, tình hình cung cấp than, khí đáp ứng yêu cầu phát điện,...), tuy nhiên, sản lượng huy động các nguồn điện chạy dầu có thể ở mức rất lớn, lên tới 8,6 tỷ kWh.