Một số kênh truyền hình sẽ bị tắt sóng analog từ 1/7/2015
Tắt sóng analog trước với một số kênh không thiết yếu
Phiên họp lần thứ 6 Tiểu ban giúp việc Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam vừa diễn ra sáng nay, 13/5/2015, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng đánh giá cao công tác thông tin tuyên truyền về số hóa truyền hình thời gian qua. Điển hình như Đài Truyền hình Đà Nẵng đã phát các video clip tuyên truyền về số hóa truyền hình với tần suất 10 phiên/ngày. Việc tăng cường tuyên truyền đã đem lại một số kết quả. Chẳng hạn, tại Đà Nẵng, đã có doanh nghiệp bán được tới 50.000 đầu thu số/tháng , chứng tỏ số người xem chuyển sang xem truyền hình số đã tăng khá mạnh.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít đài truyền hình chưa dành đủ thời lượng vào giờ vàng để phát clip tuyên truyền về số hóa truyền hình (kể cả đài trung ương và đài địa phương). Thời gian tới cần tiếp tục đẩy nhanh công tác thông tin tuyên truyền theo kế hoạch được phê duyệt.
Về vấn đề phủ sóng truyền hình số, Thứ trưởng Lê Nam Thắng lưu ý vẫn còn có vùng lõm. Yêu cầu các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng và các đài truyền hình như VTV, VTC đẩy mạnh chất lượng phủ sóng, đảm bảo chất lượng truyền hình số không kém hơn truyền hình tương tự mặt đất (truyền hình analog - vốn đang được người dân sử dụng phổ biến từ trước tới nay - PV).
Từ 1/7/2015, người dân tại Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam phải sử dụng TV tích hợp DVB-T2 mới xem được 1 số kênh truyền hình. Ảnh minh họa: Internet. |
Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Lê Nam Thắng nhấn mạnh: Hết ngày 30/6/2015, tại Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam sẽ bắt đầu ngắt sóng truyền hình analog đối với 1 số kênh truyền hình không thiết yếu, và dự kiến đến hết 30/9 sẽ ngắt sóng hoàn toàn đối với truyền hình analog. Việc ngắt sóng một số kênh không thiết yếu sẽ được tiến hành tại nhiều địa phương khác trên toàn quốc từ 1/1/2016.
Sau khi ngắt sóng truyền hình analog, người dân phải sử dụng TV tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất tiêu chuẩn DVB-T2, tiêu chuẩn mã hóa MPEG-4 mới có thể xem được truyền hình. Với truyền hình số, không có chuyện nhiễu sóng, muỗi màn hình (như khi xem truyền hình analog), mà chỉ có chuyện xem được hoặc không xem được các chương trình truyền hình mà thôi.
Sản xuất chương trình hấp dẫn cho riêng truyền hình số
Việc triển khai số hóa truyền hình đã và đang được tích cực đẩy nhanh tiến độ, song vẫn còn khá nhiều khó khăn.
Theo ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện chỉ rõ, đáng chú ý nhất là khó khăn trong hoạt động phủ sóng truyền hình số mặt đất. Quá trình triển khai cho thấy do điều kiện địa hình phức tạp hoặc do có nhiều chướng ngại vật (nhà cao tầng...), trong vùng phủ sóng số vẫn xuất hiện các điểm lõm sóng hoặc khu vực bị che chắn. Thực tế này đặt ra yêu cầu cho doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất phải thiết lập các trạm bù cho các điểm lõm sóng, khu vực bị che chắn để đảm bảo chất lượng dịch vụ trong vùng phủ sóng.
Tháng 4/2014, chỉ có 87 mẫu TV tích hợp chức năng thu DVB-T2 được lưu thông trên thị trường. Đến tháng 4/2015, số mẫu TV tích hợp DVB-T2 bán ra thị trường đã tăng lên con số 113 mẫu. Giá của TV tích hợp DVB-T2 hầu như không tăng so với TV không tích hợp.
Hiện đã có 14 mẫu sản phẩm đầu thu truyền hình số DVB-T2 của 9 đơn vị, doanh nghiệp thực hiện thủ tục công bố hợp quy. Tuy nhiên, số đầu thu DVB-T2 đưa ra thị trường thực tế rất ít.
Trong quý 2 và quý 3/2015, Cục Viễn thông sẽ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động sản xuất đầu thu DVB-T2 theo kế hoạch thanh kiểm tra 2015 được Bộ trưởng Bộ TT&TT giao.
Bên cạnh đó, hoạt động hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vẫn chưa có nguồn kinh phí để triển khai. Theo Quyết định 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án số hóa truyền hình), Nhà nước dành 1.719 tỷ đồng lấy từ nguồn Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích để thực hiện chương trình hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho hộ nghèo, cận nghèo trên cả nước. Tuy nhiên, đến nay, Chương trình Viễn thông công ích giai đoạn 2015 – 2020 vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt, do đó, chưa có căn cứ pháp lý để chi kinh phí thực hiện hỗ trợ.
Bộ TT&TT đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho tạm ứng số hóa truyền hình tại Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam. Bộ TT&TT cũng đã phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Thông tư hướng dẫn hỗ trợ đầu thu truyền hình số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và 4 huyện Bắc Quảng Nam theo Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020. Dự kiến Thông tư sẽ được ban hành trong tháng 5 này.
Một khó khăn khác nữa là chưa thể tiến hành điều tra phương thức thu xem truyền hình. "Đề án số hóa truyền hình xác định điều kiện ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất (truyền hình analog) khi đảm bảo 95% số hộ có máy thu hình trên địa bàn thu được chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu bằng những phương thức truyền dẫn, phát sóng khác nhau, bao gồm: truyền hình số mặt đất, truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh, truyền hình qua Internet.
Thế nhưng, hiện vẫn chưa thể tiến hành điều tra cụ thể hiện trạng thu xem truyền hình của người dân vì Chương trình Viễn thông công ích giai đoạn 2015 – 2020 chưa được phê duyệt, chưa có kinh phí thực hiện điều tra.
Mặt khác, việc điều tra phương thức thu xem truyền hình phải gắn liền với việc thực hiện hỗ trợ đầu thu truyền hình số. Khi chưa thực hiện hỗ trợ đầu thu truyền hình số thì việc điều tra thu xem truyền hình khó đạt hiệu quả cao", ông Đoàn Quang Hoan chia sẻ.
Chia sẻ những khó khăn nêu trên, một số thành viên Ban Chỉ đạo số hóa truyền hình đề xuất gợi ý nên dùng biện pháp kích thích người xem bằng các chương trình đặc sắc phát riêng trên kênh truyền hình số. Việc sản xuất những chương trình nội dung đặc sắc và phát riêng trên truyền hình số sẽ kích thích người dân mua đầu thu truyền hình số, góp phần triển khai số hóa truyền hình theo đúng lộ trình đề ra.