Mong ngắm hoàng hôn ở bờ Tây Hoàng Sa
Mong ngắm hoàng hôn ở bờ Tây Hoàng Sa
>> Phát hành sách quý về Hoàng Sa
>> "Kỷ yếu Hoàng Sa" ra mắt xúc động và ấn tượng
>> Hoàng Sa trong nỗi nhớ của các nhân chứng sống
>> Kỷ niệm buồn về Hoàng Sa của các nhân chứng
Trên đây là những lời đầy tâm huyết của nhân chứng Nguyễn Văn Cúc (sinh năm 1952, hiện ở tổ 11, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) trong hồi ức "Những năm tháng không bao giờ quên" đăng trong cuốn sách "Kỷ yếu Hoàng Sa" vừa được UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) chính thức giới thiệu với đông đảo công chúng hôm 9/1.
Đòi lại chủ quyền Hoàng Sa
Tự hào và khắc khoải cũng là tâm trạng của nhân chứng Nguyễn Văn Nhự (sinh năm 1927, hiện ở xã Hoà Tiến, huyện Hoà Vang, Đà Nẵng) thể hiện trong cuốn sách này: "Tôi tự hào là một nhân viên khí tượng được ra làm việc tại Hoàng Sa. Đây là hòn đảo đẹp nhất của Việt Nam. Hiện nay các tầng lớp nhân dân nghe nói về Hoàng Sa nhưng không ai được thấy vì đã bị Trung Quốc chiếm đóng"...
Nhân chứng Nguyễn Văn Nhự: "Nhân dân nghe nói về quần đảo Hoàng Sa nhưng không ai được thấy vì đã bị Trung Quốc chiếm đóng!" - Ảnh: HC |
Từ đó đã đúc kết nên niềm tin son sắt được ghi rõ trong lời ngỏ của cuốn sách: “Đau đáu với một phần lãnh thổ của Tổ quốc chưa về với Đất Mẹ đã thôi thúc tất cả đồng bào ta quyết tâm đấu tranh cho sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Cuộc đấu tranh có thể kéo dài nhưng chúng ta nhất định thắng lợi, chúng ta luôn giữ vững lập trường, khẳng định và chứng minh một cách thuyết phục với thế giới rằng Hoàng Sa là của Việt Nam!".
Trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ kiêm Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng nhắc lại, năm 2008, HĐND TP Đà Nẵng từng ra Nghị quyết phản đối Trung Quốc thành lập cái gọi là "TP hành chính Tam Sa" thuộc tỉnh Hải Nam. Trước và sau thời điểm đó, HĐND TP Đà Nẵng cũng đã ra nhiều Nghị quyết về đặt tên đường Hoàng Sa, Trường Sa cho tuyến đường ven biển đẹp nhất TP; bổ nhiệm Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa (năm 2009, thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã chính thức ra quyết định bổ nhiệm ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng làm Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa)...
Đà Nẵng đã đặt tên Hoàng Sa cho tuyến đường ven biển đẹp nhất TP - Ảnh: HC |
"Ngày 25/11/2011, tại diễn đàn Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, trong phần nói về Hoàng Sa có 2 ý quan trọng. Một là năm 1974, Trung Quốc đã đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hai là nhân dân Việt Nam sẽ đòi lại Hoàng Sa bằng các giải pháp hoà bình. Việc ra mắt "Kỷ yếu Hoàng Sa" cũng là một trong những giải pháp hoà bình góp phần vào cuộc đấu tranh chung đòi lại chủ quyền đối với Hoàng Sa" - ông Bùi Văn Tiếng nhấn mạnh.
Nhắn gửi thế hệ mai sau
Nhân chứng Phạm Sô (sinh năm 1934, hiện ở tổ 21, phường Bình Hiên, quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho hay, dù tuổi đã cao nhưng hàng ngày ông vẫn theo dõi tin tức. "Biết được chúng ta đang đòi lại chủ quyền Hoàng Sa, tôi quá phấn khởi. Mong sao trước khi qua đời, tôi có dịp tham quan một lần để biết được Hoàng Sa lúc đó và bây giờ".
Đó cũng là niềm tin của nhân chứng Nguyễn Văn Đức (hiện ở số 257 Trần Bình Trọng, phường 4, quận 5, TP.HCM): "Mỗi khi nhớ đến Hoàng Sa, tôi nghĩ sẽ có dịp bước chân trở lại trên đảo với niềm tự hào đó là một phần của đất nước chúng ta, và thuộc chủ quyền của ta"...
Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa Đặng Công Ngữ giới thiệu với khách quốc tế các tư liệu lịch sử về Hoàng Sa - Ảnh: HC |
Để điều đó sớm trở thành hiện thực, trong hồi ức được đăng ở tập "Kỷ yếu Hoàng Sa", nhân chứng Lê Lan (hiện ở tổ 12, khối phố 3, phường Sơn Phong, TP Hội An, Quảng Nam" kiến nghị cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục, tuyên truyền để người dân, nhất là lớp trẻ hiện nay, ai cũng biết Hoàng Sa là của Việt Nam. Để từ đó chung tay góp sức giành lại "tấc đất tấc vàng" của cha ông đã dày công vun xới".
Thay mặt các nhân chứng phát biểu tại buổi ra mắt "Kỷ yếu Hoàng Sa", ông Nguyễn Văn Cúc bày tỏ: "Tôi có đôi lời nhắn nhủ cho con cháu cũng như các thế hệ mai sau là cần phải hiểu rõ lịch sử của Hoàng Sa, về sự gian khổ, khó khăn đi khai phá, giữ gìn Hoàng Sa của cha ông từ thời Chúa Nguyễn. Luôn ghi nhớ Hoàng Sa là của Việt Nam. Phải lấy lại chủ quyền Hoàng Sa cho Việt Nam".
Thế hệ trẻ Đà Nẵng tìm hiểu về quần đảo Hoàng Sa - Ảnh: HC |
Khác với các nhân chứng của cách đây hàng chục năm, "Người đương thời" Mai Phụng Lưu là chứng nhân của thời hiện tại sau 25 năm gắn bó với vùng biển Hoàng Sa và 4 lần bị Trung Quốc bắt giữ, bắt tàu, tịch thu ngư lưới cụ làm tán gia bại sản... Ông ngoại của ông từng là ngư phủ xấu số bỏ xác ngoài Hoàng Sa. Đến lượt ông, được tập "Kỷ yếu Hoàng Sa" ghi nhận là "một trong những nhân chứng đương đại tiêu biểu cho ý chí bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa trong nhân dân ta".
Ông Mai Phụng Lưu đã gửi vào tập "Kỷ yếu Hoàng Sa" những lời lẽ vô cùng rắn rỏi, xứng với biệt danh "sói biển": "Dù khó khăn đến mấy, cha con tôi cũng quyết không rời ngư trường của tổ tiên ông bà mình, dù có bị đánh đập, tịch thu tài sản hoặc thiên tai rủi ro luôn rình rập. Cầu cho trời yên biển lặng để cha con tôi lại tiếp tục đạp sóng ra khơi. Ra biển Hoàng Sa".
"Tất cả chúng ta đều mong muốn một ngày sẽ ngắm mặt trời lúc hoàng hôn từ trên bờ biển phía Tây của quần đảo Hoàng Sa" - Ông Bùi Văn Tiếng, Thường vụ Thành uỷ, Trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ kiêm Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng xúc động nói.
HẢI CHÂU