"Mọi sự "diễn" trên mạng xã hội, sớm hay muộn đều sẽ bị lộ tẩy"
Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, giáo viên Trung tâm Học Mãi (Hà Nội), bày tỏ quan điểm với Infonet xung quanh câu chuyện thầy giáo “cuồng” like.
Dư luận đang dậy sóng việc một thầy giáo tuyên bố với học trò trên Facebook cá nhân rằng nếu không like (thích) sẽ xóa kết bạn. Quan điểm của thầy về vấn đề này như thế nào?
Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc: Để đánh giá một sự cố trên mạng xã hội một cách khách quan là điều rất khó, bởi cùng một thông điệp, trong cách nhìn của những đối tượng khác nhau, trong những hoàn cảnh khác nhau có thể dẫn đến những cách hiểu khác nhau. Trong trường hợp thầy giáo đưa ra thông điệp đó theo nghĩa giận dỗi, đùa vui với học trò thì không cần phải đánh giá một cách quá xét nét, khắt khe.
Còn ngược lại, nếu status đó là thông điệp thực sự "cứng rắn" của thầy giáo đó, thì có thể xem như đó là một biểu hiện của chứng "nghiện like" đang rất phổ biến trong cư dân mạng.
Thực tế là trên mạng xã hội hiện nay cũng có khá nhiều thầy cô thường xuyên "câu like", "câu share" của học sinh trong quá trình chia sẻ các tài liệu học tập. Mục đích của các thầy cô này đôi khi không chỉ là giúp học sinh có thêm tài liệu học tập mà còn nhằm gia tăng, mở rộng sức ảnh hưởng và đi kèm với đó là các lợi ích về kinh tế thông qua việc kinh doanh khoá học online hoặc bán sách tham khảo.
Theo như cách lý giải của thầy giáo này thì việc like giống như lời chào. Kết bạn giống như vào nhà người khác. Vào mà không chào (không like) là không được. Xin thầy cho biết, điều này có đúng không?
Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc: Khi mạng xã hội trở nên phổ biến, nút like cũng không chỉ mang nghĩa là "thích". Nhiều người dùng nút like như một cách để "comment không lời", để thể hiện rằng "tôi đã đọc qua status này". Bởi thế mà có những status mang thông tin tiêu cực, thậm chí là tin buồn mà người ta vẫn cứ "like".
Do đó, cách hiểu của thầy giáo về việc like giống như lời chào cũng không hẳn là sai, tuy nhiên, nếu gán việc kết bạn giống như vào nhà người khác và đã vào là phải like thì hơi mang tính áp đặt.
Facebook cá nhân giống như một ngôi nhà riêng của bạn nhưng do tuỳ chọn trong quá trình cài đặt của bạn mà nó có thể "mở cửa" với những đối tượng khác nhau. Trong trường hợp đã "public", nghĩa là bạn đã "mở cửa" facebook với tất cả mọi người và chấp nhận những phiền phức mà nó mang lại.
Vốn là thầy giáo, cũng có rất nhiều học sinh theo dõi trên facebook, thầy có dùng cách này để duy trì lượng fan không?
Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc: Hiện nay tôi có hơn 80000 người theo dõi. Để duy trì sự quan tâm thường xuyên của 80000 thành viên này đôi khi tôi cũng phải sử dụng các tài liệu tham khảo có giá trị hoặc những thông điệp khơi gợi cảm xúc, kích thích sự tò mò. Tuy nhiên, những chia sẻ đó cần phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng, có kiểm soát và có chừng mực.
Facebook cá nhân và do cá nhân quản lý, muốn có sự phát triển bền vững về số thành viên thì không nên dựa vào những dàn dựng giả tạo mà nên sống thật, thể hiện quan điểm thật, có cá tính riêng và nhất quán. Mọi sự "diễn" trên mạng xã hội, sớm hay muộn đều sẽ bị lộ tẩy bởi sự mâu thuẫn, bất nhất trong quan điểm và bị tẩy chay.
Theo thầy, giao tiếp trên facebook, đặc biệt là giao tiếp thầy trò trên facebook như thế nào là chuẩn mực?
Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc: Facebook là mạng xã hội trực tuyến, nó vừa có mối liên kết với đời sống thực, vừa có tính chất "ảo". Do đó, để giao tiếp một cách có hiệu quả với học trò trên facebook, người giáo viên cần phải cân bằng giữa cả 2 yếu tố đó, sao cho vẫn giữ được vị thế, uy tín và những giá trị về đạo đức, những chuẩn mực về ngôn ngữ.... trong quá trình trao đổi nhưng đồng thời cũng phải thể hiện được sự gần gũi, thân tình, chân thành, cởi mở... để sẵn sàng đón nhận những chia sẻ, phản hồi từ học trò.
Nếu sự cởi mở trở thành "thái quá" có thể dẫn tới những trao đổi mang tính cợt nhả, đánh mất đi vai vế trong mối quan hệ thầy - trò. Nhưng ngược lại, nếu quá nghiêm trang, cứng nhắc trên mạng xã hội thì các mối quan hệ với học trò sẽ bị giới hạn, bị đóng kín, ... khi đó học trò sẽ ngần ngại hơn trong việc chia sẻ với thầy cô và chúng ta sẽ đánh mất đi giá trị của một kênh giao tiếp rất hiệu quả với học trò, đánh mất cơ hội được tiếp xúc và thấu hiểu hơn đời sống, suy nghĩ và tình cảm của các em.
Xin cảm ơn thầy giáo!