Mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục suốt đời
Đó là một trong những nội dung tại Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” mà Bộ GD&ĐT sẽ chủ trì xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quan điểm chỉ đạo, chủ trương của Đảng về khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập, việc có một đề án mới trong giai đoạn tới là vô cùng cần thiết.
Bộ GD&ĐT sẽ chủ trì xây dựng và đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”.
Trong đó, đặt mục tiêu là đến năm 2030 mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục suốt đời có chất lượng; góp phần thực hiện thành công khâu đột phá chiến lược về phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng cuộc Cách mạng 4.0.
Các ý kiến trao đổi tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 8 năm thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” đều thống nhất cho rằng, trong giai đoạn tiếp theo của Đề án, cần phải thay đổi tư duy, cách làm.
Trong đó, cần ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, tạo ra hệ thống học liệu mở phong phú, chất lượng, để người dân có thể giam gia tự học mọi lúc, mọi nơi.
Cùng với đó là đẩy mạnh sự tham gia của các cơ sở giáo dục đại học liên thông qua hệ thống các cơ sở giáo dục thường xuyên để cung ứng nguồn tài nguyên học liệu mở, mở rộng cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.
Ảnh minh họa |
Trong 8 năm thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” các đại biểu đã đúc kết những hạn chế, bất cập trong quá trình xây dựng xã hội học tập trong đó:
Nhận thức về công tác khuyến học, khuyến tài xây dựng XHHT ở một số địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang chưa đúng mức;
Công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn với yêu cầu công việc, vị trí việc làm, chức danh mà cán bộ, công chức đảm nhiệm;
Các hoạt động học tập ở ngoài nhà trường chưa đa dạng, phong phú, điều kiện hoạt động còn nhiều khó khăn; hoạt động của nhiều trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) còn kém hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu học tập đa dạng của người dân;
Số người mù chữ, tái mù chữ ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều;
Việc học tập và ý thức tự học trong nhân dân chưa cao; nhiều nơi chưa coi trọng công tác đào tạo nghề cho công nhân, lao động nông thôn…;
Sự tham gia của các cơ sở giáo dục đại học trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT còn hạn chế.
Nguyên nhân của hạn chế, bất cập trên là do công tác phổ biến, quán triệt, tuyên truyền chưa được thực hiện thường xuyên, chất lượng hoạt động tuyên truyền chưa đồng đều giữa các vùng miền.
Cùng với đó, chính quyền một số địa phương và cơ quan, doanh nghiệp chưa quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các hoạt động học tập cho cán bộ, công chức, người lao động và người dân.
Ngân sách nhà nước cấp để thực hiện Đề án còn hạn chế; nhiều địa phương chưa tích cực huy động các nguồn lực xã hội để triển khai các nhiệm vụ của Đề án.
Đội ngũ cán bộ quản lý của nhiều TTHTCĐ chưa quan tâm chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức hoạt động học tập cho người dân. Kinh phí triển khai các hoạt động học tập tại TTHTCĐ chưa đảm bảo.
Bên cạnh đó, công tác điều tra, thống kê số người mù chữ, người tái mù chữ chưa được cập nhật thường xuyên.
Một số chỉ tiêu đề ra trong Đề án còn cao: chỉ tiêu về ngoại ngữ của cán bộ, công chức (bậc 2 và bậc 3); chỉ tiêu công nhân có trình độ trung học phổ thông; chỉ tiêu công nhân lao động đã qua đào tạo; chỉ tiêu công nhân lao động được học tập nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ.
Công tác phối hợp giữa các ngành chưa chặt chẽ; công tác kiểm tra việc thực hiện còn chưa được quan tâm đúng mức.
Để xây dựng xã hội học tập hiệu quả, thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ công chức, người lao động và nhân dân về ý nghĩa, sự cần thiết và tầm quan trọng của học tập suốt đời và,xây dựng XHHT.
Ngoài ra, các sở GDĐT phải chủ động, phối hợp chặt chẽ với Hội Khuyến học cấp tỉnh và các sở, ban ngành trong tỉnh để tham mưu, đề xuất tỉnh ủy/thành ủy, UBND cấp tỉnh ban hành chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch, chính sách thúc đẩy HTSĐ, xây dựng XHHT.
Coi trọng công tác kiểm tra, đánh giá và sơ kết, tổng kết định kỳ rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện Đề án và khen thưởng kịp thời cho các tập thể, cá nhân đã có nhiều thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Đề án.
Cuối cùng là tăng cường huy động sự tham gia của các cơ sở giáo dục đại học trong việc xây dựng, cung cấp, chia sẻ nguồn học liệu mở để đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân.
Hoàng Thanh