Mỗi người chỉ có 1,7 m2 không gian xanh, Hà Nội sắp thành "hộp cá mòi"?
Vấn đề vườn hoa, sân chơi ở các khu đô thị, khu dân cư ở Hà Nội đang là điều báo động hiện nay. Nếu như chỉ có số ít khu đô thị được chủ đầu tư chú ý đến các hạng mục công viên, vườn hoa, sân chơi như khu đô thị Ecopark, Ciputra, Royal City, Đặng Xá, Linh Đàm, Vinhomes Long Biên…. thì nhiều khu chung cư lại đang thiếu do chủ đầu tư “phớt lờ”, tự ý “biến” diện tích vốn để làm vườn hoa, sân chơi thành nhà cao tầng hay những công trình khác.
Ngoài ra, nhiều khu chung cư cũ như Trung Tự, Nguyễn Công Trứ, Thanh Xuân… dù có sân chơi nhưng đến nay phần lớn đã xuống cấp, nhất là còn bị thu hẹp lại do sự lấn chiếm của các dịch vụ thương mại, chợ cóc, nơi trông giữ xe máy.
Tại Hội thảo “Vườn hoa sân chơi trong các khu dân cư ở Hà Nội” con số được nhiều kiến trúc sư đưa ra về hiện trạng bình quân không gian xanh ở Hà Nội mới chỉ là 1,7m2/người.
Trong khi đó, quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với diện tích bình quân 2,43m2/người.
Không nhiều khu đô thị ở Hà Nội có sân chơi, công viên như thế này. |
Trước thực trạng thiếu sân chơi, vườn hoa tại các khu đô thị, trong đó có một phần nguyên nhân do chủ đầu tư tự ý “biến” diện tích vườn hoa, sân chơi thành nhà cao tầng, trao đổi với PV Infonet, TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam tiết lộ giật mình: “Vừa qua, Hội đồng nhân dân và các cơ quan thanh tra vào cuộc kiểm tra hơn 370 dự án được giao đất, nhưng chỉ có 6 dự án triển khai đúng yêu cầu và có tới hơn 10 dự án không tìm được chủ đầu tư là ai… Điều này cho thấy công tác quản lý vừa qua của chúng ta còn lỏng lẻo. Thị trường bất động sản phát triển tràn lan, cứ có quy hoạch đến đâu là được giao dự án đến đấy”.
PV tiếp tục đặt câu hỏi: Phải chăng chúng ta còn thiếu cơ chế “siết” chủ đầu tư nên mới có chuyện một số chủ dự án cố tình “biến” những diện tích đất làm sân chơi vườn hoa thành nhà cao tầng?
Ông Nghiêm cho rằng, chúng ta đã có đủ cơ chế, chính sách như xử phạt hành chính, phá dỡ nếu không phù hợp quy hoạch, thu hồi dự án, thậm chí đưa cả yếu tố hình sự khi chủ đầu tư vi phạm.
“Thế nhưng vấn đề ở đây là có phát hiện kịp thời hay không? Có kiên quyết xử lý hay không?... Bên cạnh vấn đề quản lý thì người dân cũng cần phát hiện ra những vấn đề này sẽ tạo được sự trong sạch trong môi trường đầu tư”, ông Nghiêm nói.
Ngoài ra, cũng theo TS Đào Ngọc Nghiêm thì trong quy hoạch đã rõ ràng về cấu trúc của khu chức năng, trong đó có vườn hoa sân chơi, nhưng duyệt quy hoạch lại có quá nhiều cấp thẩm định, vấn đề quản lý thực hiện quy hoạch cũng quá nhiều đơn vị cùng vào cuộc, thậm chí mỗi Sở lại có yêu cầu riêng của mình nữa nên gây ra nhiều phiền hà.
Không gian sống cũng là một trong những yếu tố quan trọng được người mua nhà cân nhắc và xem xét kỹ càng. (Ảnh minh họa) |
Nhưng với Luật Xây dựng mới cùng với Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở sắp có hiệu lực… ông Nghiêm hy vọng giai đoạn tới sẽ có những thay đổi, đột phá hơn trong vấn đề quản lý khi hệ thống thể chế pháp luật được đồng bộ hóa.
Nhiều khu chung cư không có vườn hoa, sân chơi, theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam thì cần đánh giá rõ nguyên nhân vì sao, do thiết kế hay chủ đầu tư không đầu tư, cắt xén khi thực hiện dự án hay tự ý chuyển diện tích sân chơi đó vào xây dựng việc khác để thu lợi nhuận?
“Chúng ta có Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng… đều chỉ đạo công tác quản lý trong thiết kế và xây dựng đô thị. Luật pháp quy định quá rõ ràng nên không có chuyện không có Luật pháp mà do chúng ta buông lỏng công tác quản lý, buông lỏng cả khi thiết kế, phê duyệt và triển khai dự án”, ông Chính nhấn mạnh.
Để giải quyết bài toán này, một số kiến trúc sư cho rằng, trong thiết kế quy hoạch, lập dự án cần chú ý đến sân chơi, vườn hoa, có thể tận dụng khai thác không gian trên tầng mái khối đế công trình nhà cao tầng để tổ chức sân chơi phục vụ dân cư. Ngoài ra, chính người dân cũng cần cùng nhau lên tiếng đấu tranh để có một không gian công cộng của khu vực mình sống.
Để giải quyết bài toán này, một số kiến trúc sư cho rằng, trong thiết kế quy hoạch, lập dự án cần chú ý đến sân chơi, vườn hoa, có thể tận dụng khai thác không gian trên tầng mái khối đế công trình nhà cao tầng để tổ chức sân chơi phục vụ dân cư. Ngoài ra, chính người dân cũng cần cùng nhau lên tiếng đấu tranh để có một không gian công cộng của khu vực mình sống.