Mới 13 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa
Cụ thể, 13 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị thực tế là 4.157 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 1.218 tỷ đồng.
Theo phương án CPH được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì vốn điều lệ của 13 đơn vị là 1.563 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 848 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 362 tỷ đồng, bán cho người lao động 46 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 11 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 294 tỷ đồng.
Như vậy, so với năm 2016 cả nước CPH được 56 doanh nghiệp, thì đến thời điểm này tiến độ CPH các DNNN đang được tiến hành rất chậm, chỉ bằng 1/4 của năm trước.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp, trong khi công tác CPH tương đối chậm thì tốc độ thoái vốn lại tương đối nhanh, gần bằng cả năm 2016.
Theo đó, năm 2016 các đơn vị đã thoái được 3.645 tỷ đồng, thu về 6.839 tỷ đồng, nhưng chỉ trong 5 tháng đầu năm 2017 công tác thoài vốn là 3.445 tỷ đồng, thu về 14.806 tỷ đồng (bao gồm cả các khoản thoái vốn trong năm 2016 các đơn vị mới báo cáo trong 5 tháng đầu năm 2017). T
rong đó, bao gồm thoái vốn tại 5 lĩnh vực nhạy cảm được 47 tỷ đồng và thu về 46 tỷ đồng thoái vốn đầu tư ở doanh nghiệp khác được 2.015 tỷ đồng, thu về 2.534 tỷ đồng.
Riêng SCIC đã bán vốn tại 18 doanh nghiệp với giá trị là 1.383 tỷ đồng, thu về 12.225 tỷ đồng.
Theo Cục Tài chính doanh nghiệp, nguyên nhân khiến quá trình CPH, thoái vốn của các DNNN bị chậm là do giai đoạn này đối tượng CPH, thoái vốn chủ yếu là các DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều sự cân nhắc trước khi công bố giá trị DN.
Hơn nữa việc thực hiện CPH các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị tốt nên cần nhiều thời gian để chuẩn bị.
Một nguyên nhân nữa là việc bàn giao các doanh nghiệp đã CPH về SCIC còn chậm. Tiến độ thoái vốn, giảm tỷ lệ vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp theo tiêu chí phân loại DNNN chậm được triển khai. Việc thoái vốn khỏi ngành nghề kinh doanh chính và bán hết vốn trong những ngành và lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ cũng chưa đạt kết quả như kỳ vọng.
Do đó, để đẩy mạnh CPH, thoái vốn trong giai đoạn tới, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2016-2020.
Đồng thời, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 – 2020. Tổng hợp kết quả thực hiện sắp xếp DNNN trong phạm vi cả nước; báo cáo Thủ tướng Chính phủ công khai danh sách các doanh nghiệp phải thực hiện bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn về SCIC.
Bộ Tài chính cũng kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công thương khẩn trương xây dựng phương án thoái vốn tại Habeco, Sabeco; triển khai, hoàn thành xong việc thoái vốn nhà nước tại 2 doanh nghiệp này và chuyển tiền về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trước ngày 15/12/2017.
Nhất là việc xem xét sớm quyết định phương án bán tiếp số cổ phần của SCIC còn lại tại Vinamilk. Bên cạnh kiến nghị, sớm ban hành nghị định thay thế Nghị định số 59/2011/NĐ-CP về cổ phần hóa DNNN, Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ xem xét quy định bắt buộc các doanh nghiệp thuộc diện CPH có trách nhiệm rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng; lập phương án, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn thành phê duyệt trước thời điểm quyết định CPH.
Theo đó, phương án sử dụng của toàn bộ diện tích đất doanh nghiệp CPH đang quản lý, sử dụng phải đảm bảo đúng với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà đất; đúng với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng; phù hợp với chiến lược phát triển doanh nghiệp.