Mổ xẻ gia đình "trá hình", mẹ đơn thân và HIV
Trong những kiểu gia đình được các nhà khoa học đem ra "mổ xẻ" có loại "gia đình" kết đôi đồng tính, gia đình người có HIV và gia đình "single mom" (mẹ đơn thân).
Gia đình "trá hình"
Bộ Tư pháp đang trưng cầu ý kiến chuẩn bị cho việc sửa đổi Luật Hôn nhân Gia đình lần thứ 4, trong đó có đề cặp đến việc kết đôi đồng tính.
Việc kết đôi đồng tính xuất hiện khá sớm trong lịch sử nhân loại từ phương Đông đến phương Tây, có thể thấy người cổ Hy Lạp tôn trọng đồng tính luyến ái. Nhưng nhìn chung nhiều quốc gia phủ định kiểu kết đôi này, trước hết xuất phát từ ý niệm tôn giáo: "Kinh thánh chống lại mọi hành vi tình dục không hướng tới sự sinh đẻ".
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hồng Mai phát biểu tại hội thảo |
Ở nước ta, những phản ứng chủ yếu được tiếp cận ở góc độ sinh học và đạo đức. Nhiều ý kiến coi đồng tính là bệnh hoạn và có thể hình thành như trào lưu. Tuy nhiên, cách đây vài chục năm, Tổ chức Y tế Thế giới đã chính thức loại bỏ hiện tượng này khỏi danh sách các loại bệnh và khẳng định đây là một trong những bản dạng tình dục tự nhiên của con người.
Ở nước ta, để đối phó với gia đình và dư luận, nhiều người đồng tính "nhắm mắt" kết hôn với người dị tính để hoàn thành nghĩa vụ sinh con nhưng sau đó vẫn phá vỡ hôn nhân để "được là chính mình". Thực tế, trong xã hội Việt Nam đã xuất hiện gia đình "trá hình" được ghép đôi từ hai người đồng tính chung sống.
Từ góc độ đạo đức, quan hệ đồng tính bị lên án chủ yếu bởi loại "kết đôi" này không làm được mục tiêu cơ bản của hôn nhân là lưu truyền dòng giống.
Trào lưu mẹ đơn thân (single mom)
Theo thạc sĩ Vũ Thanh Hoài, ĐH Văn hóa Hà Nội, hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều gia đình đơn thân nuôi con kiểu "single mom". Điều này ngược với quan niệm phụ nữ phải "tam tòng tứ đức" từ xa xưa. Hay trong Gia huấn ca, Nguyễn Trãi cũng nói: "Ngay cả khi chung chăn gối, ngủ trên cùng giường với chồng, con vẫn phải xử sự với chồng như thể với nhà vua hay với cha của con". Người "chửa hoang", "không chồng mà chửa" sẽ chịu hình phạt khắc nghiệt như gọt đầu bôi vôi, thả bè trôi sông...
Trào lưu không kết hôn, một mình sinh và nuôi con đang là một thực tế trong xã hội. Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa: "Việc làm mẹ đơn thân nằm trong một xu hướng toàn cầu. Đó là sự gia tăng số người độc thân cả nam và nữ trong xã hội, hôn nhân hiện đại với một số người có quá nhiều rủi ro".
Đáng chú ý, phần lớn "single mom" có thể lập gia đình với ý nghĩa đầy đủ nhưng lại muốn có con mà không chịu ràng buộc với ai. Theo thạc sĩ Vũ Thanh Hoài, những người phụ nữ này không hẳn thích sống cô đơn với một đứa trẻ mà thường họ là những người phụ nữ đã có sự trải nghiệm nhất định trong cuộc sống. Họ muốn khẳng định bản thân, thích sống tự do, không muốn hệ lụy với đàn ông.
Nhưng những người phụ nữ vừa làm cha, vừa làm mẹ này sẽ phải trả lời con mình về người cha của nó. Bên trong đó, còn ẩn chứa nỗi niềm lo lắng về quá trình phát triển tâm sinh lý của đứa con khi khuyết thiếu người cha.
Gia đình HIV
Từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên phát hiện năm 1990 tại TP.HCM đến nay, nước ta xuất hiện không ít gia đình có người mắc HIV. Thạc sĩ Phan Hồng Giang và thạc sĩ Lương Anh Ngọc, ĐH KHXH&NV Hà Nội đã dành hơn 4 năm từ 2008 đến 2012 để thực hiện nghiên cứu về những gia đình này.
Hầu hết người có HIV đều bị bạo lực gia đình dưới nhiều hình thức: Bị đánh đập, bỏ đói, thậm chí bị trói nhốt, bị công khai bí mật có HIV với hàng xóm, bị đuổi ra khỏi nhà, bị ngăn cấm tiếp xúc với người trong gia đình.
"Gia đình anh ấy và mọi người trong họ hàng kéo đến nhà để nói tôi. Hôm nào tôi cũng bị anh ấy và gia đình đánh, có lúc đang ăn cơm bị ném cả bát cơm, hất cả mâm vào mặt, không cho ăn cơm... Gia đình anh ấy cấm không cho tôi được lại gần hai thằng bé. Họ nói với hai thằng bé là mẹ biến thành con "ết" (AIDS) rồi, kinh lắm, phải tránh xa. Hai thằng bé nhỏ tuổi không biết gì, chúng tránh xa tôi thật. Mỗi lần tôi lại gần chúng đều khóc thét lên". Chị H, một phụ nữ 36 tuổi đang ly thân kể.
Theo thạc sĩ Lương Anh Ngọc Điều đáng nói, đa phần người có HIV đều chọn cách phản ứng là im lặng, âm thầm chấp nhận cuộc sống bị bạo lực. Nói như một nữ bệnh nhân HIV 30 tuổi: "Còn con cái mình nữa. Giờ cháu đang đi học, nói ra đảm bảo người ta sẽ kỳ thị, giết chết tương lai của nó".