Mở cửa cho doanh nghiệp tham gia cung ứng dịch vụ công
Ông Phạm Văn Trường - Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp cho biết, mục tiêu ban hành Nghị định 32 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp sản phẩm, dịch vụ công của Nhà nước. |
Thông tin tại buổi họp báo chuyên đề về Nghị định 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên; ông Phạm Văn Trường - Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp cho biết, việc xây dựng và ban hành Nghị định 32 nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong thực hiện chủ trương đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập và đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công.
Cùng với đó, Nghị định 32 quy định một cách toàn diện, thống nhất về các vấn đề liên quan đến cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công, tạo công bằng, minh bạch trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN).
Nghị định số 32/2019/NĐ-CP được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở kế thừa có chọn lọc các nội dung phù hợp tại Nghị định số 130/2013/NĐ-CP và Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg. Những quy định trong Nghị định 32 khắc phục những tồn tại, hạn chế, chồng chéo trong các quy định tại 2 văn bản này như trùng lắp nguồn kinh phí chi thường xuyên cho cùng một nội dung; một danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN nhưng lại có hai khái niệm khác nhau và tổ chức thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng khác nhau...
“Mục tiêu ban hành nghị định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp sản phẩm, dịch vụ công của Nhà nước”- Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp nhấn mạnh.
Bao gồm 5 chương và 30 điều, Nghị định 32 quy định rõ về trách nhiệm của cơ quan quản lý cấp trên trong việc giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu; trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập và nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công khác; trách nhiệm của cơ quan theo dõi, giám sát trong quá trình thực hiện để đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả.
“Những quy định này sẽ giúp cơ quan thực hiện dễ dàng áp dụng cũng như cơ quan giám sát có cơ sở đánh giá rõ ràng hơn. Từ đó nâng cao tính hiệu quả của việc sử dụng dịch vụ công và hiệu quả của việc sử dụng NSNN”, ông Trường nói.
Trước câu hỏi của báo chí về những ưu điểm của Nghị định 32 so với Nghị định 130/2013/NĐ-CP và Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg, ông Trường cho hay, so với các văn bản trước, Nghị định 32 quy định cụ thể, rõ ràng về điều kiện, phương thức thực hiện hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu; quy định cụ thể hình thức thực hiện của từng nhóm danh mục dịch vụ sự nghiệp công và dịch vụ công ích.
Khi thực hiện theo hình thức đặt hàng, các đơn vị cung ứng dịch vụ công sẽ được giao cụ thể về số lượng, đơn giá, còn thực hiện theo hình thức đấu thầu, các đơn vị phải có đơn giá cạnh tranh. Các đơn vị phải đảm bảo chất lượng dịch vụ do mình cung cấp. Điều đó sẽ làm tăng trách nhiệm sử dụng ngân sách cho đơn vị, tạo điều kiện cho các cơ quan có thẩm quyền có thể kiểm tra, đánh giá được hiệu quả sử dụng ngân sách. Thông qua đó sẽ đổi mới cơ cấu ngân sách đầu tư cho dịch vụ công; đổi mới phương thức quản lý, quản trị của đơn vị sự nghiệp.
Cũng theo ông Trường, bước đầu thực hiện Nghị định 32 có thể còn khó khăn vướng mắc nhất định do các bộ ngành sẽ phải thực hiện đánh giá, sắp xếp lại dịch vụ sự nghiệp công để lựa chọn hình thức thực hiện. Nhưng khi việc thực hiện đi vào nề nếp, việc triển khai sẽ có nhiều thuận lợi, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước cho các dịch vụ công.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Ngô Chí Tùng, Phó Chánh Văn phòng Bộ Tài chính cũng khẳng định, Nghị định 32 là một quy định hoàn toàn mới, giúp mở cửa cho các thành phần kinh tế tham gia cung ứng dịch vụ công.
Cũng theo ông Tùng, Nghị định 32 vừa giúp tiết kiệm cho ngân sách nhà nước đồng thời tăng tính tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập.