Mê hồn ngắm "nữ hoàng linh trưởng" tại Sơn Trà
Hằng năm, từ tháng 6 đến tháng 8, rừng Sơn Trà vào mùa thay lá đẹp lãng mạn như những cánh rừng mùa thu phương Tây. Vào mùa này, voọc chà vá chân nâu thường xuất hiện nhiều ở các triền núi thấp ven biển. Chúng đi theo bầy, mỗi bầy chừng 5 đến 7 con, chuyền từ ngọn cây này sang ngọn cây khác kiếm ăn trên các tán lá non.
Tại Việt Nam, voọc chà vá chân nâu được bảo vệ nghiêm ngặt và được Chính phủ xếp vào danh mục IB “nghiêm cấm săn bắt, buôn bán dưới mọi hình thức”. |
Tại bán đảo Sơn Trà hiện có một quần thể khá lớn voọc chà vá chân nâu sinh sống với số lượng khoảng 400 con. Một số nguồn khác còn cho rằng có thể lên đến hơn 1.300 con, tuy nhiên số liệu này chưa được kiểm chứng.
Voọc chà vá chân nâu thường lựa chọn những cây cao, to, tán dày để ngủ và đặc biệt chúng không bao giờ ngủ trong hang hoặc vách đá như các loài voọc khác. |
Voọc chà vá chân nâu được mệnh danh là “nữ hoàng” của các loài linh trưởng. Các nghiên cứu giải mã gene gần đây cho thấy loài này có lịch sử hình thành cách đây từ hơn 1 triệu năm. |
Giới săn ảnh Đà thành đam mê với thú săn ảnh voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà. |
“Voọc ở Sơn Trà được gọi là “nữ hoàng” trong các loài linh trưởng vì có nhiều màu sắc rất tươi, rất đẹp. Đây lại là nơi duy nhất trên thế giới chúng ta có thể bắt gặp loài linh trưởng này ngoài tự nhiên dễ dàng như thế. Do đó, cần phải bảo vệ đàn voọc quý hiếm, không phải chỉ cho Việt Nam mà còn cho nhân loại”. TS. Vũ Ngọc Thành, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội |