Máy bay Malaysia mất tích, truyền thông thế giới 'không ngủ'
Ngoài những tình tiết nghiêm trọng như hàng loạt các vụ tai nạn máy bay khác, vụ mất tích lần này có nhiều điều bất thường, khó giải thích khiến dư luận thế giới quan tâm.
Theo các chuyên gia, máy bay gặp nạn của hãng Malaysia Airlines là loại máy bay an toàn nhất trong lịch sử hàng không dân dụng, đang hoạt động trong điều kiện thời tiết tốt và đã đạt độ cao ổn định khi bay khi bị mất tích.
Bản đồ khoanh vùng tìm kiếm máy bay MH370 của Malaysia Airlines |
Khó hiểu nhất, máy bay bị mất tích vô cùng đột ngột và không để lại bất cứ một tín hiệu liên lạc nào. Sau hơn hai ngày, chiếc máy bay mang số hiệu MH370 vẫn hoàn toàn bặt vô âm tín.
Ngay trong ngày đầu tiên, hàng loạt các hãng thông tấn lớn như AP, AFP, BBC, Reuters.. hay các tờ báo quốc tế như The Guardian, ABC, Wall Street Journal (WSJ)... đã làm các bản tin cập nhật trực tuyến nhằm đưa thông tin nhanh nhất đến người đọc.
Ngoài việc tổ chức bản tin trực tuyến suốt 2 ngày qua, tờ WSJ đã xuất bản hơn 330 bản tin. Bản tin trực tuyến tìm kiếm máy bay bị thất lạc của trang Mirror cũng thu hút hàng triệu lượt đọc và hơn 30.000 chia sẻ trên mạng xã hội Facebook.
Các phóng viên thường trú của các tờ báo lớn tại hai đầu sân bay Kuala Lumpur và Bắc Kinh hoạt động hết mức có thể để cập nhật tin tức từng phút cho bạn đọc ngay khi sự kiện vừa diễn ra.
Các phóng viên tác nghiệp trong vụ tìm kiếm máy bay mất tích ở đầu Malaysia |
Một ngày sau, hàng trăm phóng viên khác được các hãng tin cử đến vùng sự kiện, bao gồm hai đầu sân bay và các khu vực tìm kiếm cứu nạn để đưa tin về kết quả tìm kiếm chính thức.
Chỉ tính riêng tại đầu Phú Quốc lúc 10 giờ sáng ngày hôm nay đã có hơn 20 phóng viên quốc tế đến tác nghiệp, trong có phóng viên của hãng Reuter, đài Phoenix TV Hong Kong, Vincent JIANG của tờ 21st Century Business Herald (Trung Quốc)…
Những tin tức về vụ mất tích máy bay của Malaysia cũng liên tục giữ vị trí ở mục sự kiện nổi bật của nhiều tờ báo, hãng tin lớn trong suốt 2 ngày qua như BBC, Reuter, AP... với hàng loạt các tin bài phân tích, bình luận có liên quan.
Kể từ khi diễn ra sự kiện, chỉ tính riêng từ khóa “máy bay bị thất lạc của Malaysia Airlines” bằng tiếng Anh đã đưa về gần 3,9 triệu kết quả trên Google chỉ trong 0,24 giây.
Google trả về gần 4 triệu kết quả tìm kiếm với từ khóa "Máy bay mất tích của Malaysia Airlines" |
Tại Việt Nam, ngay suốt những ngày qua, hầu hết các trang báo điện tử lớn cũng vào cuộc với những bản tin trực tuyến, trực tiếp theo "thời gian thực" như Infonet, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Thanh Niên, Giao thông Vận tải, VNexpress, Quân đội Nhân dân...
Bên cạnh đó, các báo cũng chạy hàng loạt tin bài về các nội dung có liên quan đến vụ mất tích kể trên.
Tại các sân bay, bến tàu ra hiện trường tìm kiếm, rất nhiều phóng viên của các tờ báo Việt Nam xếp hàng để được theo các tàu, máy bay cứu hộ ra tiếp cận hiện trường.
Tuy nhiên, do số lượng giới hạn nên nhiều phóng viên sau cả ngày chờ đợi cũng đành phải ngậm ngùi... quay về và chờ đợi tin tức từ các đồng nghiệp may mắn hơn và từ các cuộc họp báo. Một số nhà báo khác không bỏ cuộc, đã tìm cách bay ra Phú Quốc để tiếp cận gần hơn với nguồn tin trực tiếp.
Đến ngày thứ 2 sau thời điểm máy bay MH370 bị mất tích, Việt Nam đã huy động toàn bộ lực lượng tìm kiếm cứu nạn, hoạt động tích cực trên các vùng nước khả nghi có máy bay rơi.
Trực thăng Việt Nam chuẩn bị cất cánh đi tìm kiếm máy bay Malaysia gặp nạn |
Hiện tại, cả các hãng tin trong nước và thế giới đều ngóng tin từ các tổ công tác tìm kiếm của Việt Nam và các nước cùng tham gia cứu hộ.
Truyền hình và các kênh báo chí lớn của Trung Quốc cũng liên tục chạy tin bài về loạt sự kiện máy bay Malaysia bị mất tích. Kênh CCTV của Trung Quốc cũng đã cử phóng viên túc trực tại các điểm nóng để đưa tin mới nhất cho người xem.
Tại Malaysia, các phương tiện thông tin cũng liên tục đưa tin về vụ việc. Tuy nhiên, truyền thông Malaysia cũng đang bị nhiễu loạn vì quá nhiều luồng thông tin trong thời điểm nhạy cảm.
Ngoài việc bị chỉ trích quá là chậm chễ trong phản ứng khi vụ mất tích xảy ra, một số cơ quan truyền thông trong nước và nước ngoài còn chỉ trích giới chức Malaysia vì những lỗ hổng chết người trong công tác an ninh sân bay.