Mất điện toàn miền Nam: "Ngành điện xin lỗi là tốt rồi!"
Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam: Lỗi gây ra sự cố mất điện toàn miền Nam ngày 23/5 là do lỗi từ ý thức của người dân về hành lang an toàn lưới điện quá kém |
Ý thức về an toàn điện quá kém
Sự cố gây mất điện 22 tỉnh miền Nam vừa qua thực sự là sự cố bất khả kháng hay tắc trách trong vận hành lưới điện gây mất an toàn, thưa ông?
Từ khi đường dây 500kV hoàn thành tới nay thì đây là sự cố đầu tiên và hy hữu. Ngành điện đã ban hành quy định về hành lang an toàn lưới điện. Theo quy định trong Nghị định 106/2005/NĐ-CP hướng dẫn Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp, hành lang an toàn đường dây 500 kV từ 7m tính từ mép ngoài cùng của đường dây. Nếu vi phạm hành lang an toàn sẽ gây phóng điện, gây sự cố cho đường dây.
Trong trường hợp sự cố hôm 23/5 vừa rồi, khi xe cẩu trồng cây vướng vào đường dây 500kV làm mất liên kết hệ thống điện 500kV Bắc Nam, gây nhảy tất cả các tổ máy phát điện trong hệ thống điện miền Nam. Cũng may là các nhà máy điện đều có thiết kế an toàn nên khi xảy ra sự cố các đường dây điện đều nhảy áp, chứ không thiệt hại sẽ còn lớn hơn nhiều và để khắc phục phải mất vài tháng, chứ không chỉ trong vài giờ như vừa rồi.
Rõ ràng là ngành điện đã có quy định về hành lang an toàn lưới điện, nhưng vì sao người lái xe cẩu – nguyên nhân gây ra sự cố điện - lại có thể dễ dàng vi phạm, thưa ông?
Sau khi hoàn thành xong đường dây 500kV, Chính phủ đã ban hành hẳn một nghị định về quy định khoảng cách để bảo đảm an toàn lưới điện. Nếu vi phạm thì là do sự nhận thức và ý thức của người dân về hành lang lưới điện là rất kém.
Về phía chuyên môn, tôi có thể khẳng định, ngành điện đã đảm bảo an toàn cho đường dây, về độ cao, độ võng của dây, kết cấu dây... Đường dây 500kV còn đi qua bao nhiêu cánh rừng, cánh đồng nữa, làm sao ai có thể đi canh gác suốt ngày đêm trên tuyến hành lang điện dài tới hơn 1000 km, chỉ có thể kiểm tra định kỳ thôi.
Ngày 23/5 toàn miền Nam mất điện do 1 xe cần cẩu trồng cây trong khu vực Thành phố mới Bình Dương chạm vào đường dây 500 kV khu vực Di Linh - Tân Định |
Trách nhiệm bồi thường không thuộc EVN
Xảy ra sự cố đáng tiếc trên thiệt hại về kinh tế là rất lớn, ngành điện không thể chỉ nói một lời xin lỗi là được, thưa ông?
Nếu ngành điện cố tình gây thất thoát điện của dân thì ngành điện phải chịu trách nhiệm, đền cho dân. Nhưng đây là do lỗi của cá nhân khác vô tình hay cố ý gây ra thì làm sao bắt ngành điện "gánh" lỗi? Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không là người trực tiếp gây ra lỗi nên EVN xin lỗi là tốt quá rồi.
Ngành điện cũng không gây ra sự cố này nên cũng không phải bồi thường. Nếu EVN chịu trách nhiệm vận hành mà không đảm bảo chuyện sửa chữa, an toàn đường dây điện gây nên sự cố mất điện cho dân thì phải bồi thường; hoặc ngành điện thao tác sai làm sập lưới thì bồi thường. Còn đây là sự cố do người dân gây ra thì làm sao bắt ngành điện bồi thường được?
Đối với EVN thì ngược lại phải là đơn vị được bồi thường vì thiệt hại của EVN trong vụ việc này cũng không nhỏ.
Không ai dám chắc sự cố như vừa rồi sẽ không lặp lại?
Đúng là qua lần này ngành điện phải rút kinh nghiệm trong việc tuyên truyền cũng như bảo vệ đường dây truyền tải điện. Các công ty truyền tải có đường dây điện đi qua phải tăng cường kiểm tra hành lang tuyến, cảnh giác vùng hay xảy ra sự cố như vậy. Tôi nói thật, ngành điện cũng đang cố gắng làm hết sức mình rồi, chứ họ có ngồi chơi đâu.
Qua sự cố lần này, nhiều ý kiến cho rằng nên xây dựng thêm đường dây truyền tải điện bên cạnh đường dây đã có để khi có sự cố xảy ra sẽ có nguồn dự phòng. Ông có đồng tình với quan điểm này?
Theo quy hoạch điện VII cũng có kế hoạch sẽ xây dựng thêm đường dây truyền tải nữa, nhưng ngay cả khi xây dựng thêm đường dây truyền tải điện thì cũng không thể đủ cung cấp điện từ Bắc vào Nam. Vì mỗi đường dây như vậy chỉ truyền tải tối đa từ 1.500 -2.000 MW, mà miền Nam hiện tại đang thiếu hàng chục ngàn MW. Do đó, phải đầu tư xây dựng nhiều nhà máy điện tại khu vực phía Nam.
Cũng theo tổng sơ đồ VII từ nay tới năm 2020 và sau năm 2020 sẽ xây dựng thêm 52 nhà máy điện nữa để đưa công suất điện lên 75.000 MW, gấp 3 lần bây giờ, đồng thời giảm tải cho các đường dây 500kV. Tổng sản lượng điện tính ra lên tới 330 tỷ kwh, bình quân 3.000 kwh/người/năm, trong khi hiện nay là 1.000 kwh/người/năm.
Sau đó các nhà máy điện công suất 1MW đều có lưới 500KV đấu nối vào đường dây 500kV quốc gia, tạo thành mạch vòng 500kV. Nếu có sự cố xảy ra ở đâu thì chỉ khu vực đó mất điện, chứ không xảy ra mất điện toàn hệ thống, trên diện rộng như vừa qua. Lúc đó hệ thống mới đảm bảo cung cấp điện một cách ổn định, công bằng cho cả 3 miền, nền kinh tế. Hiện nay thì ra chưa thể xây dựng được do ngành điện đang khó khăn, thiếu nguồn vốn...
Trân trọng cảm ơn ông!